|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

COVID-19 giúp các ứng dụng chia sẻ xe đạp hồi sinh ở Trung Quốc

08:27 | 07/03/2020
Chia sẻ
Doanh số của hai ứng dụng chia sẻ xe đạp hàng đầu tại Trung Quốc đều tăng vọt trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Hàng triệu xe đạp trở thành phế liệu, hàng triệu người sử dụng đòi rút tiền đặt cọc, hàng chục ứng dụng lao đao vì mất nguồn thu là bức tranh ảm đạm của dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc. 

Nhưng khi COVID-19 lây lan, khả năng đi lại bằng phương tiện cơ giới của cư dân thành thị giảm mạnh và doanh số của các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc tăng vọt, theo South China Morning Post.

Nhiều người Trung Quốc "khoe" trên mạng xã hội rằng nhờ xe đạp, họ có thể di chuyển trong không gian rộng mà không gặp quá nhiều người xung quanh.

COVID-19 giúp các ứng dụng chia sẻ xe đạp hồi sinh ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Hàng chục xe đạp của công ty Hellobike trên một phố ở Trung Quốc. Ảnh: FT

Thậm chí Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) khuyến nghị xe đạp là hình thức giao thông công cộng có nguy cơ lây nhiễm virus corona thấp nhất.

Sự quan tâm của người dùng mang tới cơ hội vàng cho các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - tâm chấn của dịch bệnh.

Hellobike, một trong những app chia sẻ xe đạp lớn nhất của Trung Quốc, xác nhận các chuyến đi dài hơn 3 km tăng gấp 3 lần trong ngày 22/1 và 24/1, thời điểm chính quyền Vũ Hán phong tỏa các dịch vụ giao thông công cộng.

Tỉ lệ các chuyến đi quanh bệnh viện, siêu thị và chợ thực phẩm tăng 5% so với giai đoạn trước dịch bệnh. 

Không chỉ ở Vũ Hán, doanh số của các công ty chia sẻ xe đạp cũng tăng vọt trên khắp Trung Quốc. Hellobike tiết lộ các chuyến đi dài hơn 3 km trên toàn quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái. 

Meituan, công ty vận hành ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike, cũng xác nhận số chuyến đi dài hơn 3 km tăng gấp đôi so với một tháng trước đó.

Didi, công ty vận hành ứng dụng Qingju Bike, nói số lượt sử dụng xe đạp đã tăng hơn 150% trên toàn quốc từ đầu tháng 2.

COVID-19 giúp các ứng dụng chia sẻ xe đạp hồi sinh ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Khi dịch vụ chia sẻ xe đạp lâm cảnh thoái trào, hàng nghìn "nghĩa trang xe đạp" xuất hiện ở các đô thị của Trung Quốc. Ảnh: FT

Bất chấp sự hân hoan của các nhà cung cấp, giới phân tích cho rằng đây chỉ là sự hồi sinh tạm thời. Nhu cầu tăng ở thời điểm hiện tại không có nghĩa là người dùng sẽ gắn bó với dịch vụ chia sẻ xe đạp khi tình hình trở lại bình thường.

“Sự thay đổi tạm thời sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành chia sẻ xe đạp. Song trong tương lai xa, ngành này vẫn khó có thể phục hồi và phát triển. Khi dịch bệnh được kiểm soát và tình hình trở lại bình thường, người dân sẽ quay lại thói quen di chuyển cũ”, Ben Cavender, nhà phân tích của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc, bình luận.

2017 và 2018 là giai đoạn dịch vụ chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ. Sau đó, dịch vụ thoái trào, gây nên những vụ phá sản hàng loạt. Các nghĩa trang xe đạp khổng lồ xuất hiện như nấm khắp đất nước.

Sun Naiyue, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Analysys, nhận định dịch bệnh là cơ hội tốt để các công ty chia sẻ xe đạp chứng minh giá trị.

Mặc dù vậy, theo ông, tăng trưởng sẽ không kéo dài vì người dân vẫn ưu tiên sự thoải mái, thời gian và thuận tiện khi đi lại. Khi dịch bệnh biến mất, họ sẽ quay lại với xe buýt và tàu điện ngầm.

Sun nói thêm rằng dịch virus corona chủng mới cũng có thể giúp dịch vụ chia sẻ xe đạp điện thu hút sự chú ý của người dân.

Cửu Dương

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.