COO Lazada Việt Nam: TMĐT đã qua thời tăng trưởng nóng, nhưng miếng bánh vẫn lớn và cơ hội cho người mới vẫn còn
Vừa qua, Zing News đã phát sóng tập Podcast trên sóng chương trình The Conductor, trong đó có sự tham dự của bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc vận hành (COO) Lazada Việt Nam. Tại đây, bà Trang đã có những chia sẻ về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam.
Các đợt sale không tạo ra sự nhàm chán mà sẽ tạo ra nhiều cơ hội
Theo bà Trang, Lazada có thể coi là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đem những ngày đôi, chẳng hạn như 11/11, 12/12,… vào thị trường TMĐT tại Việt Nam. Gần đây, Lazada không chỉ tổ chức các dịp sale lớn vào thời điểm cuối năm tại những ngày đôi mà còn có thêm những sự kiện, lễ hội mua sắm lớn, nhận được phản hồi tương đối tích cực.
“Các dịp mua sắm như vậy sẽ mang tới nhiều cơ hội cho cả người bán và người mua. TMĐT hiện đã trở thành thói quen mua sắm của nhiều người dùng. Vì vậy, các đợt sale sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm của các đối tượng khách hàng. Bất kể khi nào có nhu cầu, họ có thể vào Lazada tìm mua sản phẩm với giá cả hợp lý. Do đó, tôi cho rằng các đợt sale như vậy không phải là sự nhàm chán mà là cơ hội cho nhiều phía”, bà Trang cho biết.
Lãnh đạo Lazada nói thêm rằng có rất nhiều nhà bán hàng chứng kiến doanh số tăng trưởng vượt bậc trong các đợt sale. “Một ví dụ cụ thể có thể kể tới là TopToToe, một đơn vị hoạt động trong ngành hàng mỹ phẩm – làm đẹp. Gần đây, đơn vị này đã cùng Lazada lên sàn trong chương trình Beauty Fair vào tháng 10/2022, đạt 300% mục tiêu đề ra cho doanh thu và số lượng đơn hàng”, bà Trang chia sẻ.
TMĐT đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng
Bà Trang đã công tác tại Lazada trong khoảng thời gian 10 năm. “10 năm qua thị trường TMĐT chuyển đổi không ngừng và ngày càng tối ưu hơn. Đối với Lazada, 4 yếu tố để xây dựng TMĐT bền vững gồm mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng logistics – công nghệ, nguồn nhân lực và trải nghiệm của khách hàng”, bà Trang nói thêm.
COO Lazada Việt Nam cũng chia sẻ thêm về những cơ hội cho các nhà bán hàng khi bán hàng trên TMĐT. “Bán hàng trên TMĐT có 5 cơ hội chính. Thứ nhất, các nhà bán hàng có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng mà trước đây bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý. Thứ hai, là mở rộng thị trường kinh doanh. Thứ ba, là tiết kiệm chi phí. Thứ tư, là sự chuyển đổi không ngừng mang tính linh hoạt. Thứ năm, lợi thế về công nghệ và logistics sẽ tạo nền móng vững chắc”, bà Trang cho biết.
Đại dịch COVID-19 cũng là một trong những cột mốc đáng nhớ đánh dấu bước chuyển mình của thị trường TMĐT. Nữ lãnh đạo của Lazada Việt Nam chia sẻ thêm rằng số lượng nhà bán hàng trên sàn TMĐT trong thời điểm đỉnh dịch có thể tăng gấp đôi so với thời gian trước đó.
“Ngay sau đại dịch COVID-19, số lượng nhà bán hàng trên Lazada đã bước vào thời điểm tăng trưởng ổn định. Cụ thể, trong năm 2022, số lượng nhà bán hàng trong 7 tháng đầu năm tăng 84%. Số lượng nhà bán hàng mới và nhà bán hàng có phát sinh đơn hàng đều tăng trưởng hai chữ số. Điều này chứng minh rằng TMĐT đã đi vào giai đoạn phát triển ổn định sau dịch COVID-19”, bà Trang cho biết.
Dù vậy, nữ lãnh đạo Lazada Việt Nam cũng nói thêm rằng thị trường TMĐT đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng. “Đây là thời điểm mà tất cả doanh nghiệp có thể nhìn vào chiến lược kinh doanh của mình để bước vào giai đoạn phát triển một cách bền vững và ổn định”, bà Trang nhận định.
Theo bà Trang, chiếc bánh TMĐT vẫn rất lớn, và cơ hội vẫn sẽ được chia cho bất kỳ ai có nhu cầu tham gia vào thị trường. “Sự cạnh tranh một cách lành mạnh sẽ tạo nên sự thúc đẩy cho thị trường TMĐT cho tất cả các bên”, bà Trang chia sẻ.
COO Lazada chia sẻ rằng sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp hoạt động trên nền móng TMĐT sẽ là chiến lược kinh doanh, chẳng hạn như phương pháp kinh doanh bền vững và ổn định của Lazada, một trong những điểm mà theo bà Trang, sẽ giúp Lazada tạo ra sự khác biệt so với các đơn vị khác.