|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty áp dụng chính sách đồng chủ, nhân viên cho giám đốc vay tiền để thoát hiểm, rồi giúp 'sếp' mở hơn 100 cửa hàng

08:48 | 07/08/2019
Chia sẻ
Tự mở 30 cửa hàng, một giám đốc ngành thời trang hứng chịu thất bại và phải đóng cửa toàn bộ. Nhưng khi anh khuyến khích nhân viên góp vốn và làm chủ điểm bán, công ty có 110 cửa hàng chỉ trong 4 năm.

Anh chàng lập trình con đường làm giàu từ khi còn ngồi trên giảng đường

Ngay từ khi còn là sinh viên của một trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội, Lê Xuân Tùng đã định hướng làm giàu bằng con đường kinh doanh. Vì thế, anh đọc hàng trăm cuốn sách về kinh doanh, rồi thực hiện những dự án kinh doanh nhỏ để lấy kinh nghiệm.

"Bán trà đá, phở, cà phê là những dự án kinh doanh tôi từng thực hiện. Không dự án nào tồn tại quá hai tháng, nhưng tôi không nản chí. Tôi đã xác định rằng, muốn trở thành doanh nhân thì phải thất bại vài lần", Tùng thổ lộ.

Ra trường, Tùng quyết định kinh doanh lâu dài ngành thời trang. Phân khúc mà anh chọn là quần, áo nam giá rẻ dành cho sinh viên. Bán xe máy và vay tiền một số người, anh có 26 triệu đồng để mua hàng từ Trung Quốc.

"Mua tận gốc, bán tận ngọn nên tôi có lãi sớm. Chỉ sau 6 tháng tôi trả hết nợ", anh tiết lộ.

Sau khi tích lũy một khoản tiền, Tùng quyết định chuyển sang giai đoạn tiếp theo: Tự xây dựng một thương hiệu riêng và sản xuất. Đây là lộ trình của các doanh nhân thành công tầm cỡ thế giới.

Le Xuan Tung 2

Doanh nhân Lê Xuân Tùng trao đổi với các doanh nhân trong một chương trình truyền hình. Ảnh: Lê Xuân Tùng

Vào tháng 1/2012, xưởng may của Tùng chính thức hoạt động sau một thời gian dài tìm địa điểm, mua máy móc và tuyển nhân sự. Tuy nhiên, trong hơn một năm, Tùng liên tục bỏ sản phẩm vì không đạt yêu cầu về chất lượng. 

Phân tích tình hình, Tùng nhận ra sản phẩm chưa đạt yêu cầu chất lượng do anh chưa có nhân sự giỏi. Vì thế, anh tập trung tuyển nhân sự giỏi trong các lĩnh vực kĩ thuật, thiết kế, quản lí để vận hành sản xuất. Đến cuối năm 2013, công ty đã có đủ nhân sự giỏi.

"Lúc ấy, công ty mới có sản phẩm tốt và được thị trường đón nhận", Tùng nói.

Chính sách đồng chủ và thất bại khi mở chuỗi cửa hàng

Để khuyến khích tinh thần làm chủ, đồng cam cộng khổ của nhân viên, Tùng áp dụng chính sách đồng chủ, theo đó người lao động cùng đầu tư vốn vào từng lô hàng mà công ty thực hiện và cùng hưởng lợi nhuận. Khí thế làm việc bừng lên trong cả công ty.

Bước tiếp theo của Tùng là đầu tư 30 điểm bán hàng. Tự tin bản thân đang thực hiện đúng công thức thành công của các tỉ phú thế giới, Tùng chờ đợi thành công vang dội từ chuỗi cửa hàng.

Biluxury 2

Một cửa hàng thời trang nam của thương hiệu Biluxury. Ảnh: Biluxury

Trái với kì vọng của Tùng, lượng khách cứ thưa dần sau mỗi tháng. Doanh thu cũng tụt dần. Đến năm 2014, toàn bộ 30 điểm bán phải ngừng hoạt động và số nợ đã vượt quá khả năng chi trả của Tùng.

Xác định tương lai của công ty rất u ám, Tùng chia sẻ sự thật với nhân viên để họ lựa chọn ở lại hay ra đi.

Bất ngờ thay, hôm sau, hàng loạt nhân viên của công ty lần lượt bước vào phòng làm việc của Tùng để trao cho anh những tập tiền.

"Một cậu cho tôi vay khoản tiết kiệm 50 triệu đồng của hai vợ chồng, một cô nhân viên hành chính cho tôi vay khoản tiền mừng cưới 100 triệu đồng", Tùng kể.

Việc người lao động tình nguyện cho chủ doanh nghiệp vay tiền, theo Tùng, là kết quả của chính sách đồng chủ mà anh áp dụng. Số tiền không đủ lớn để anh trả nợ, song là động lực lớn để anh quyết tâm thoát hiểm.

Rà soát lại toàn bộ quy trình, Tùng nhận ra anh đang lựa chọn sai vị trí điểm bán. Chúng nằm ở những khu vực có mật độ sinh viên cao, song sản phẩm lại thuộc phân khúc trung bình và cao.

"Nó giống như việc tôi mang ô tô ra chợ phiên để bán" Tùng ví von.

Kết quả thay đổi khi khách hàng mục tiêu thay đổi

Quyết định thay đổi khách hàng mục tiêu để hướng tới phân khúc trung bình và cao cấp, Tùng gặp ngân hàng và các chủ nợ để khoanh nợ, rồi sản xuất quần, áo theo định hướng mới. Anh cũng khai tử thương hiệu cũ và tạo ra thương hiệu mới là Biluxury.

Biluxury 2

Một cửa hàng quần áo của thương hiệu Biluxury. Ảnh: Biluxury

Tháng 7/2014, công ty mở cửa hàng thời trang đầu tiên. Cùng chính sách đồng chủ, Tùng áp dụng chính sách khuyến khích người lao động khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp. Anh hỗ trợ họ mở và vận hành các điểm bán sản phẩm của công ty.

Nhờ chính sách ấy, sau 4 năm, Biluxury đã mở 110 điểm bán trên toàn quốc. Cuối năm 2018, công ty đã huy động vốn thành công từ một quỹ đầu tư nước ngoài. Với số vốn ấy, Tùng muốn đưa sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới.

Sau những thăng trầm đã qua, Tùng tâm niệm rằng kinh doanh đòi hỏi sự linh hoạt, bởi không chiến lược nào có thể phù hợp mãi mãi. 

"Mỗi giai đoạn cần một công thức riêng, bởi kinh doanh là sự thiên biến vạn hóa", Tùng kết luận.

Nhạc Dương