Sữa công thức là mỏ vàng chờ giới khởi nghiệp khai thác
Khi còn làm việc cho công ty chia sẻ chỗ ở Airnbnb, Laura Modi nhận thấy một xu hướng lạ ở các bà mẹ thuộc khu vực quanh Vịnh San Francisco. Họ không chuộng sữa công thức Mỹ, mà mua sữa từ châu Âu, theo CNBC.
Cơ hội lớn cho giới khởi nghiệp trong ngành sữa công thức
Ở châu Âu, các thương hiệu phải "luồn lách" giữa vô số quy định về nguyên liệu để sản xuất sữa công thức, và một bộ phận dân Mỹ tin rằng sữa công thức châu Âu tốt hơn.
Vì thế, Laura Modi quyết định thành lập một công ty để sản xuất sữa công thức giống sữa châu Âu dành cho thị trường Mỹ.
Cô cùng Sarah Hardy, một cựu đồng nghiệp ở Airbnb, thành lập công ty mang tên Bobbie Baby. Họ huy động thành công 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên.
Thị trường sữa công thức trẻ em ở Mỹ có thể đạt giá trị 95 tỉ USD tới năm 2026. Ảnh: pivot.com
Nhưng khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường 10 ngày, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo người tiêu dùng ngừng sử dụng sữa công thức của công ty.
Một trong những điều FDA nói với người tiêu dùng rằng công ty sản xuất sữa ở Đức rồi nhập về Mỹ, và rằng sữa không có đủ dưỡng chất đối với một số trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng hoặc có cân nặng thấp khi sinh.
"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên", Laura Modi thừa nhận.
Laura Modi giải thích rằng công ty gặp một số trở nại trong việc sản xuất sữa ở Mỹ. Chỉ vài nhà máy có giấy phép sản xuất sữa công thức, và phần lớn nhà máy yêu cầu đặt hàng với số lượng tối thiểu mà luôn vượt xa khả năng bán của mọi startup trong những tháng đầu.
Trước sự e ngại của FDA, Laura cam kết công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lí để đưa sữa Bobbie Baby về Mỹ với tư cách là sản phẩm có giấy phép của FDA.
Bobbie Baby khá chật vật với việc bán hàng trong mấy tháng đầu, song cả ngành sữa theo dõi chặt chẽ để xem công ty có thể vượt qua thách thức ban đầu hay không.
Thị trường chịu sự thống trị của các tập đoàn lớn
Ở Thung lũng Sillicon, hàng loạt công cụ, công nghệ và dịch vụ mới đang nhận vốn để giúp các bậc cha, mẹ. Phần lớn chúng tập trung vào việc nâng cao khả năng sinh sản, song số công ty giúp các bà mẹ nuôi con cũng đang tăng dần. Họ có thể sản xuất sữa công thức hoặc bình hút sữa.
Một số startup ra đời để cải thiện những loại sữa công thức dành cho trẻ em đang cạnh tranh trên thị trường.
Chẳng hạn, một công ty có tên Sugarlogix, đang ứng dụng công nghệ điều chỉnh gene để tạo ra những loại đường phổ biến nhất trong sữa mẹ. Những loại đường ấy có khả năng tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
Mọi startup hỗ trợ mẹ nuôi con đều muốn tạo ra thêm những lựa chọn cho phụ nữ. Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức y tế ca ngợi những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, song phần lớn cha, mẹ đều sử dụng sữa công thức để thay thế hoặc hỗ trợ sữa mẹ.
Lí do để cha, mẹ dùng sữa công thức bao gồm: Những vấn đề sức khỏe với mẹ hoặc trẻ, hoặc thời gian nghỉ việc của sản phụ không đủ dài để họ nuôi con bằng sữa mẹ.
Do đó, thị trường sữa công thức trẻ em có thể đạt giá trị 95 tỉ USD vào năm 2026, khiến nó trở thành cơ hội hấp dẫn đối với những công ty mới gia nhập. Hiện tại, Nestle, Abbott, Danone và một số tập đoàn khác đang thống trị thị trường sữa công thức trẻ em.
Laura Modi, người đồng sáng lập và điều hành công ty sữa Bobbie Baby. Ảnh: CNBC
Sản phẩm dành cho các bà mẹ không may mắn
Nhiều bà mẹ cảm thấy xấu hổ khi phải dùng sữa công thức. Leslie Ziegler Schrock, một nữ doanh nhân bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe, là một trong số họ.
"Cơ thể tôi phản bội tôi. Bác sĩ nói con tôi không đủ cân vì sữa mẹ không có đủ dưỡng chất. Vì thế, tôi cần bổ sung sữa công thức", Leslie kể.
Bản thân Laura cũng chung cảnh ngộ với Leslie. Cô vật vã với việc nuôi con bằng sữa do tình trạng viêm ngực do cho con bú.
Hiện tại, nhiều nhà sản xuất ở Mỹ đang sẵn sàng giảm các yêu cầu để hợp tác với Laura, bởi họ thấy nhu cầu tăng dần đối với sữa công thức từ châu Âu.
"Giành thị phần sữa công thức từ những đối thủ lớn là việc khó vì chúng tôi đang phát triển những sản phẩm cho một bộ phận dân số dễ tổn thương. Nhưng đó không phải là mục tiêu bất khả thi", Laura nhấn mạnh.