|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ khuyết tật vật vã khởi nghiệp từ vải vụn

00:09 | 15/07/2019
Chia sẻ
Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) chia sẻ những gian nan, rủi ro trong quá trình khởi nghiệp với người khuyết tật.

Chi phí cao, rủi ro cao

Mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, Nguyễn Thị Hồng (Chương Mỹ, Hà Nội) lớn lên với nửa người bên phải teo lệch. Khi vừa đôi mươi, một người đàn ông cách nhà gần 10 km đến hỏi làm lẽ, Hồng gật đầu cái rụp vì cứ nghĩ phận mình được “trời thương”. 

Thế nhưng sau khi Hồng sinh con, chứng nghiện rượu của người chồng ngày càng nặng, những trận đòn thừa sống thiếu chết được người chồng vô cớ trút lên đầu Hồng bất kể ngày đêm.

Ròng rã như thế suốt 8 năm trời, khi đứa con đã đủ lớn, Hồng nuốt nước mắt vào trong chấp nhận rời nhà chồng. 

“Bước chân ra đi, em chỉ mong tìm được chỗ dạy nghề cho NKT. Bởi chỉ có những nơi ấy em mới gạt bỏ nỗi mặc cảm về những tổn thương mà người bình thường đã đối xử với mình”, Hồng tâm sự. 

Le Viet Cuong

Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn tự hào giới thiệu sản phẩm tranh được ghép từ vải vụn do chính người khuyết tật làm.

Đó cũng là lý do cô tìm tới HTX Vụn tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nơi dạy NKT làm tranh nghệ thuật truyền thống từ việc cắt ghép những miếng vải vụn tưởng như đã bỏ đi.

Mỗi khi NKT tìm tới, tôi đều nói rõ: “Vụn không phải tổ chức lập ra để xin tài trợ. Tôi bỏ tiền túi ra để tạo cơ hội việc làm cho các bạn. Ở đây không có chuyện chủ - tớ mà mọi người đều phải tự giác cộng tác với nhau để phát triển; không chấp nhận kiểu làm đối phó theo mô hình từ thiện, ai không làm được thì nên nghỉ.

Anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn (Vụn Art)

Người được Hồng nhắc tới chính là anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art). Tập tễnh khó nhọc bước từng bậc thang bởi di chứng bệnh bại liệt từ nhỏ, anh Cường dẫn khách ra khu trưng bày thành phẩm được tại khu lưu niệm truyền thống của làng lụa Vạn Phúc. 

“Đất thì phường cho mượn lâu dài còn cơ sở do tôi bỏ tiền xây cất. Tới nay khoản tiền đầu tư vào đây cũng gần 3 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu hỗ trợ từ bạn bè.

Thực tế, sau hơn 2 năm thành lập (từ 2017), đã có 35 NKT (cả trẻ em lẫn người lớn) được Vụn đào tạo tay nghề song con số trụ lại tới nay chỉ còn 16. 

Xác định đầu tư vào DN xã hội là một rủi ro, Giám đốc Vụn Art chia sẻ: “Mọi người cứ hô hào nhiều nhưng rất ít người dám làm. Thường chỉ làm theo dự án hết tiền là hết, thậm chí cứ để sống lay lắt vì nó cũng chẳng làm chết ai!”.

Theo anh Cường, so với người thường, đào tạo tay nghề cho NKT phải tốn gấp 3 lần về chi phí và thời gian. 

“Có những bạn được tôi thuê giáo viên dạy theo hình thức 1 kèm 1, cứ 2 tiếng/ngày hết 600 nghìn đồng chưa kể tiền hỗ trợ phí sinh hoạt. Nhưng 1 năm sau, họ chẳng cần nói một câu, bỏ đi biểu diễn văn nghệ dọc đường. Biết chuyện, bạn bè trách sao không thu lại một khoản phí để giữ họ nhưng tôi hiểu đó là ý thức, rất khó thay đổi”, anh nói và cho rằng, đang có sự lãng phí lớn về nguồn lực giải quyết việc làm cho NKT bởi không có mô hình thực tế đúng nghĩa là một DN. 

Rất nhiều mô hình không rạch ròi giữa từ thiện với làm kinh doanh. Chính cách làm ấy tạo ra sức ỳ rất lớn đối với NKT. Họ luôn có ý nghĩ không làm gì vẫn có tiền dù không nhiều. Điều này cũng kéo theo vấn đề ý thức kỷ luật lao động của NKT, luôn nghĩ là đối tượng yếu thế đáng được giúp đỡ chứ không nghĩ bản thân mình phải vươn lên hòa nhập.

“Nhiều người nghi tôi núp bóng từ thiện”

Theo ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Vụn Art là mô hình đào tạo nghề cho NKT rất phù hợp sáng tạo và hiệu quả. Lúc đầu NKT sẽ được đào tạo nghề, sau khi đạt sẽ thực hiện khoán sản phẩm theo đơn hàng mà HTX mang về. Qua đây, các thành viên có ý thức tự lực vươn lên hòa nhập cuộc sống.

“Mang cả tài sản tích lũy gần 20 năm đầu tư vào Vụn Art tới nay, anh thu lại được gì?”. Nghe tôi hỏi, anh Cường cười bảo: “Hiện vẫn chưa thu được đồng lãi nào, nhưng bù lại tôi nhận về nhiều giá trị vô hình. Tôi là NKT và tôi muốn làm điều gì đó khác với những người trước đã từng làm, tạo ra thay đổi cho NKT”.

nkt

Người khuyết tật sau khi học lành nghề sẽ được hưởng thu nhập theo khoán sản phẩm.

Hơn ai hết, chính gia đình, người thân của NKT đã cảm nhận được sự thay đổi rõ nét từ khi con em họ bước chân vào Vụn. Điển hình là Dung (20 tuổi) bị liệt nửa người, lại mắc bệnh trầm cảm. T

Từ một cô gái sợ người lạ, suốt ngày ngồi nép ở góc nhà, sau 2 năm được đào tạo nghề, Dung đã có thể làm tranh, tự tin giao tiếp thậm chí còn có thể dẫn tour cho khách du lịch khi tới Vạn Phúc. 

Hay Tân bị câm điếc bẩm sinh, dù đã 18 tuổi nhưng tính tình thất thường, nghịch phá, thế nhưng tới nay qua thời gian rèn giũa, cha của cậu phải thừa nhận: “Ngoan hơn rất nhiều và chỉ phục chú Cường thôi”.

Thế nhưng mấy ai biết, để các thành viên theo học nghề, nhiều trường hợp anh Cường phải tới tận nơi vận động gia đình. Dẫn câu chuyện từ Quảng - chàng trai bị điếc bẩm sinh, anh Cường kể phải mất 3 tháng sau khi tới nhà vận động, gia đình em mới đồng ý. 

Ngày Quảng có tay nghề, người cha tới nắm tay anh Cường rưng rưng nói: “Giờ đây làng xóm không còn coi thường cháu nữa. Nó ngoan, tự lập, làm được rất nhiều việc! Họ hàng cứ ngóng mãi bảo tôi đón chú Cường về nhà chơi để cảm ơn”.

Sản phẩm không thể “sống” chỉ với tình thương

Trước khi làm Vụn, Lê Việt Cường góp vốn với hai người bạn cũng là NKT mở cơ sở thú nhồi bông mang tên Kim Việt, từ năm 2013. Mất hơn 2 năm vật lộn, Kim Việt mới bắt đầu đem lại doanh thu và dần phát triển ổn định. 

Rồi cơ duyên kết nối Cường với họa sĩ Nguyễn Văn Trường, hiện là Phó Bí thư quận Hà Đông. “Ngồi tại xưởng Kim Việt, anh Trường lấy những miếng vải vụn ghép thành tranh và bảo: Cái này làm được, phù hợp với NKT, em nghĩ đi”. Thật trùng hợp, đây chính là ý tưởng mà tôi ấp ủ từ trước đó khá lâu”, anh Cường nhớ lại. 

Theo ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Vụn Art là mô hình đào tạo nghề cho NKT rất phù hợp sáng tạo và hiệu quả. Lúc đầu NKT sẽ được đào tạo nghề, sau khi đạt sẽ thực hiện khoán sản phẩm theo đơn hàng mà HTX mang về. Qua đây, các thành viên có ý thức tự lực vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Thế rồi, người đàn ông ấy lại tất bật lăn lộn với ý tưởng mới, gửi người đi học mỹ thuật rồi mở lớp dạy ghép tranh miễn phí… Năm 2017, anh quyết định để lại hết cổ phần cho Kim Việt, chỉ lấy tiền lương để đổ vào “dựng” Vụn Art. 

“Biết chuyện, vợ bảo: Anh tới già vẫn khởi nghiệp!, còn tôi thì vui vẻ đáp lại: Chỉ có chết mới không khởi nghiệp”, Cường tếu táo.

“Người có thể khuyết tật nhưng sản phẩm không thể khuyết tật, phải có chất lượng tốt đủ sức cạnh tranh với sản phẩm dịch vụ thông thường. Đó mới là hướng đi lâu dài để phát triển việc làm cho NKT chứ không phải chỉ bằng tình thương”, anh Cường chia sẻ và cho biết: “Sau thời gian đào tạo, tới nay tranh của Vụn Art được giới họa sĩ đánh giá đạt tới 80% về trình độ mỹ thuật. Lúc này tôi mới yên tâm đưa sản phẩm ra thị trường”.

Thế nhưng đầu ra vẫn là bài toán khó nhất của Vụn. “Sức mình cũng dần yếu, nhiều lúc mệt mỏi bởi trình độ thẩm mỹ trong dân chưa cao nên bán tranh rất khó, suy cho cùng vẫn chưa có đầu ra ổn định. Các nhà sách, đại lý thường lấy tranh theo hình thức ký gửi nên dễ xảy ra tình trạng đọng vốn lại càng khó xoay xở”, anh Cường tâm sự.

Sau một năm làm thị trường, đi “chào hàng” khắp nơi, anh Cường nhận ra giá bán chính là yếu tố khó cạnh tranh. 

“Song song với dòng tranh nghệ thuật dân gian, tôi đang chuyển đổi sang sản phẩm mang tính thông dụng như ghép tranh trên túi xách, phát triển tour trải nghiệm văn hóa… Đặc biệt với bộ tranh ghép vải dành cho trẻ em đang được đánh giá có triển vọng khi vừa giúp các em hiểu giá trị tiết kiệm từ những đồ bỏ đi thành sản phẩm hữu ích, chia sẻ lòng nhân ái và rèn tính tỉ mỉ và cẩn thận”, anh Cường chia sẻ. 

Giám đốc Vụn Art phấn khởi nêu dự định tương lai: “Chắc mất khoảng 2-3 năm nữa Vụn Art mới đi vào ổn định và sinh lời. Khi đó, lợi nhuận thu được sẽ cắt lại 10% để dành quỹ hỗ trợ cho NKT và con em của họ. Chỉ mong sức khỏe mình có thể duy trì để đồng hành trên con đường phía trước”.

Hoàng Ngân