|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup lắp tay điện miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật

18:27 | 05/06/2019
Chia sẻ
Dự án Uplift của Vulcan Augmetics bước vào giai đoạn lắp đặt tay giả, đào tạo công việc cho người khuyết tật đồng thời thu hút hơn 2.000 USD gây quỹ cộng đồng.

Trở về từ cuộc thi quốc tế Chivas Venture với vị trí Top 5 startup được cộng đồng yêu thích và Top 10 quán quân chung cuộc, Vulcan Augmetics tiếp tục bận rộn với chặng tiếp theo. Dự án UpLift của startup bước vào giai đoạn lắp đặt tay điện và đào tạo kỹ năng cho người khuyết tật ở khu vực TP HCM.

Tạo việc làm cho người khuyết tật 

Đại diện Uplift cho biết, sau 5 tháng phát động, dự án tiếp cận hơn 50 người khuyết tật ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Vulcan đang trong quá trình xác nhận thông tin và tiến hành phỏng vấn từ ngày 3/6. Những người đăng ký phù hợp với tiêu chí đưa ra ban đầu của chương trình sẽ chuẩn bị cho bước tiếp theo là quá trình lắp đặt tay điện và đào tạo công việc.

"Lúc này dự án chưa thể tiến hành lắp đặt tay điện cho tất cả những ai đăng ký. Tuy nhiên, UpLift là một dự án xuyên suốt chứ không chỉ dừng lại ở năm 2019. Những đơn đăng ký chưa thể hỗ trợ ở giai đoạn này sẽ được ghi nhận cho những giai đoạn tiếp theo", đại diện Vulcan chia sẻ.

Về mặt sản phẩm, Vulcan cho biết công ty đã kết hợp cùng đối tác là trường Đại học RMIT để hoàn thiện cánh tay chính (core arm) và phần bàn tay dành riêng cho công việc phục vụ (module tay phục vụ).

Khảo sát ý kiến từ chính người dùng, Vulcan tiến hành giản lược những phần không cần thiết, giúp cánh tay trở nên nhẹ và thoải mái. Người dùng vẫn đảm bảo thực hiện tốt các chức năng cầm, nắm cho sinh hoạt hằng ngày, cũng như công việc phục vụ bàn khi tiến vào giai đoạn làm việc chính thức.

Startup lắp tay điện miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật  - Ảnh 1.

Module tay phục vụ được thiết kế nhằm hỗ trợ các công việc phục vụ.

Ngoài ra, Vulcan cũng hợp tác cùng chuỗi cafe The Coffee House lên kế hoạch cụ thể cho việc đào tạo kỹ năng công việc cho các ứng viên khuyết tật. Quá trình đào tạo bao gồm các bước chính là sàng lọc và phỏng vấn, lắp đặt tay giả, đào tạo kỹ năng việc làm, trở thành nhân viên chính thức, phản hồi và cải thiện sản phẩm.

"Các bạn khuyết tật và đối tác doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ từ Vulcan trong suốt quá trình sử dụng tay giả và làm việc. Mọi đóng góp sẽ được ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm Mô-đun tay phục vụ hiện tại và những mô-đun khác trong tương lai", đại diện startup chia sẻ.

Gây quỹ cộng đồng hơn 2.000 USD trong tuần đầu tiên

Một phần quan trọng khác của UpLift là chiến dịch gây quỹ cộng đồng trên trang Indiegogo. Trong 2 tuần đầu tiên kể từ ngày chính thức bắt đầu, Vulcan đã nhận được hơn 2.000 USD ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Mục tiêu 2019 của dự án UpLift là gây quỹ cộng đồng 30.000 USD, hỗ trợ 30 người khuyết tật được lắp đặt tay điện miễn phí. Trong đó, ít nhất 6 trường hợp sẽ trở thành thành viên tại chuỗi The Coffee House, với những module do Vulcan Augmetics sản xuất riêng biệt theo từng đặc điểm cấu tạo cơ thể của cá nhân và hỗ trợ lắp đặt.

Startup lắp tay điện miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật  - Ảnh 2.

Đại diện dự án Uplift.

Chính thức khởi động từ tháng 3/2019, UpLift là dự án về trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng (CSR), sản xuất và lắp đặt tay điện miễn phí, đào tạo kỹ năng hòa nhập cộng đồng và kỹ năng làm việc, đồng thời cung cấp việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam, được tổ chức bởi Vulcan Augmetics.

Dự án có sự tham gia từ các đối tác chiến lược uy tín, gồm Đại học RMIT với vai trò thiết kế, nghiên cứu sản xuất; các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp hoạt động trực tiếp với người khuyết tật như Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển (DRD), EnableCode, Becamex Business Incubator và Hội Liên Hiệp Quốc.

Thông tin chi tiết về dự án xem tại website. Các đối tác, nhà tài trợ tiềm năng, hoặc người khuyết tật đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp có thể đăng ký thông tin tại đây.

Phong Vân

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.