|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cơn bĩ cực thầm lặng của các ngân hàng Nhật Bản trong thời đại số

01:28 | 23/02/2018
Chia sẻ
Quá nhiều ngân hàng đang tồn tại ở Nhật Bản, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức thấp. Sự phát triển của thanh toán di động cũng là mối nguy đối với họ.

“Xin chào mừng quý khách đến ngân hàng chúng tôi”, ba nhân viên ngân hàng nói như vậy khi khách bước vào chi nhánh của ngân hàng Mizuho, quận Tanashi thuộc thành phố Tokyo.

Rất lịch sự và chuyên nghiệp, nhóm nhân viên giúp khách điền vào mẫu văn bản cần thiết để mở tài khoản, rút tiền, chuyển tiền hoặc thực hiện các thủ tục để vay tiền.

Dù thế giới đang trải qua thời đại số, những công việc như thế cần khá nhiều thời gian. Để có thể xác nhận danh tính, khách hàng cần phải trình sổ ngân hàng và con dấu cá nhân.

Sau khi điền các mẫu đơn, khách hàng nhận một phiếu chờ và chờ nhân viên thu ngân sau quầy gọi. Nhân viên ngồi quầy thực hiện những công việc phức tạp hơn.

Bây giờ, đa số khách hàng sẽ không cần đến ba nhân viên tiếp đón ban đầu. Họ sẽ đi thẳng đến khu vực máy ATM và thao tác. Nhiều khách hàng thậm chí không bao giờ đến chi nhánh ngân hàng mà sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Mặc dù dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã phát triển mạnh, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Nhật hiện nay không thay đổi so với một thập kỷ trước. Theo phong cách dịch vụ của người Nhật, ngân hàng vẫn muốn quan tâm đến từng khách hàng ngay cả khi khách hàng không quá chú ý tới họ.

Nhiều dấu hiệu cho thấy thực tế ấy đang thay đổi. Mới đây, 3 ngân hàng lớn nhất ở Nhật Bản công bố kế hoạch đóng cửa chi nhánh, sa thải hàng nghìn nhân viên và triển khai thêm nhiều dịch vụ tự động. Nhưng theo giới chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng Nhật vẫn chưa thay đổi đủ nhanh để đón đầu làn sóng công nghệ số. Một giám đốc điều hành cao cấp thừa nhận ngành ngân hàng Nhật đang đối diện với một cuộc khủng hoảng thầm lặng.

Raymond Spencer, Phó chủ tịch cao cấp của Moody Investors Service, khẳng định rằng các ngân hàng bán lẻ cần phải hoạt động giống như các cửa hàng tiện lợi.

“Dịch vụ ngân hàng bán lẻ không phức tạp nên tính cạnh tranh đang ở mức quá cao”, ông nhận định.

Khoảng thời gian các ngân hàng làm việc - từ 9h sáng đến 3h chiều các ngày trong tuần - được coi là "ngược đời" trong thời đại công nghệ số, bởi theo ông Spencer, đó là khoảng thời gian mà đa số người dân có thể đến ngân hàng để giao dịch?

Tokyo-Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất tại Nhật, cho biết số lượng khách hàng thực hiện dịch vụ tại các chi nhánh của họ đã giảm 40% trong thập kỷ qua, còn số lượng người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tăng 40% trong 5 năm qua.

Ngành ngân hàng Nhật Bản đang trải qua giai đoạn khó khăn với tăng trưởng lợi nhuận thấp trong bối cảnh lãi suất quá thấp. Do dân số Nhật Bản giảm dần, số lượng khách hàng đến chi nhánh ngân hàng thực hiện dịch vụ sẽ tiếp tục giảm.

Song số lượng các chi nhánh ngân hàng tại Nhật Bản trong thập kỷ qua không thay đổi nhiều - vẫn dao động ở con số 13.500. Tính trung bình, mỗi chi nhánh có tới 30 nhân viên, nên việc thu hẹp hoặc giải thể sẽ đồng nghĩa với việc quá nhiều người mất việc.

Ông Toshinao Sakai, cựu giám đốc điều hành tại ngân hàng Mitsui Asset Trust and Banking, ông Toshinao Sakai, nhận đinh: “Quá nhiều ngân hàng đang hoạt động ở Nhật Bản”.

con bi cuc tham lang cua cac ngan hang nhat ban trong thoi dai so
Nhân viên giao dịch của ngân hàng làm việc ở thành phố Tokyo hôm 20/2. Ảnh: Nikkei

Việc duy trì quá nhiều ngân hàng đang tạo nên sức ép lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng. Trong khoảng thời gian 9 tháng tính đến hết tháng 12/2017, lợi nhuận tại nhóm 5 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản giảm trung bình 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp ở xứ hoa anh đào tăng trưởng ấn tượng khi kinh tế khởi sắc.

Đối với các ngân hàng, lợi nhuận thấp khiến vốn trở nên thấp hơn, dẫn đến một thực trạng là khả năng phòng vệ trong trường hợp có khủng hoảng trong tương lai sẽ yếu hơn.

Tính toán của Moody cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn (ROA) của ngân hàng Nhật Bản trong năm tài khóa 2016 chỉ đạt 0,3%, trong khi tỷ lệ tương đương ở Australia là 0,7%; 0,8% ở Anh và 1,0% đối với Mỹ. Tỷ suất đó chỉ cao hơn ROA của các ngân hàng Đức (0,2%).

Tháng 10/2017, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng lợi nhuận của 9 ngân hàng trên toàn cầu. Điều bất ngờ là các ngân hàng lớn nhất của của Nhật Bản - bao gồm Mizuho, Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui cũng thuộc nhóm đó.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng Nhật Bản cũng đang đối mặt quá nhiều áp lực cạnh tranh từ phía các đối thủ ngoại. Năm 2013, dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động không tồn tại ở Trung Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng đến năm 2016, tổng giá trị các thanh toán trên điện thoại di động ở Trung Quốc đã lên đến 3 nghìn tỷ USD, trong đó Alipay và đối thủ WeChat thống trị thị trường.

Không chỉ vậy, sau khi chinh phục được thị trường Trung Quốc, Alibaba và Tencent đang mạnh mẽ tiến vào thị trường Nhật Bản. Trước đó, Tencent đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp thanh toán tại nhiều nước, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Nhật Bản là mục tiêu tiếp theo của họ.

Đối với các ngân hàng Nhật, công ty tài chính Ant Financial của tạp đoàn Alibaba là một mối họa, theo ông Daisuke Yamada, giám đốc của ngân hàng Mizuho tại Nhật Bản. Ông ví Ant Financial như “những chiếc tàu màu đen”, ám chỉ việc những tàu chiến Mỹ từng buộc Nhật Bản phải chấp nhận thương mại quốc tế vào năm 1853.

Kim Cương

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.