Cơ sở để VIMC đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29% khi ngành vận tải biển gặp khó
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) vùa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, đại hội dự kiến tổ chức sáng 16/4, ngày chốt danh sách cổ đông là 15/3.
Năm nay, VIMC đặt kế hoạch hợp nhất với doanh thu 13.447 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện năm 2023. Lãi trước thuế mục tiêu tăng 29% lên 2.736 tỷ đồng.
VIMC cho biết kế hoạch doanh thu giảm so với kết quả năm ngoái chủ yếu giảm ở khối vận tải biển, trong đó CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) giảm 959 tỷ đồng, Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) giảm 176 tỷ đồng vì hụt doanh thu khai thác.
Năm nay, VIMC dự báo sản lượng vận tải biển bằng 76% so với năm 2023, tương đương 15,9 triệu tấn. Sản lượng năm 2024 của hầu hết các đơn vị đều dự kiến giảm do thị trường khó khăn, ngoài ra các đơn vị có kế hoạch thanh lý các tàu già, khai thác kém hiệu quả, tình trạng kỹ thuật kém.
Sản lượng hàng thông qua cảng dự báo tăng 8% lên 123,6 triệu tấn, sản lượng tăng chủ yếu ở: cảng Hải Phòng (tăng 2,4 triệu tấn), cảng Quy Nhơn (tăng 1,8 triệu tấn), cảng Đà Nẵng (tăng 0,8 triệu tấn), cảng Sài Gòn (tăng 0,5 triệu tấn) và nhóm cảng liên doanh (tăng 2,7 triệu tấn).
Dù vậy lợi nhuận VIMC dự kiến tăng do tăng doanh thu hoạt động tài chính khi đánh giá lại tài sản góp vốn thành lập CTCP Vận tải container VIMC (VIMC Lines) khoảng 452 tỷ đồng.
Trước đó trong năm 2023, VIMC đã hoàn thành phương án thành lập VIMC Lines và đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định góp vốn. Hình thức góp vốn bằng cả tài sản và tiền, trong đó phần góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của VIMC bao gồm hơn 12,6 triệu cổ phiếu CTCP Cảng VIMC Đình Vũ, gần 4,6 triệu cổ phiếu CTCP Phát triển Hàng Hải (Vimadeco - Mã: VMS), 500 container 20’ DC và 500 container 40’ HC. Dự kiến VIMC Lines sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2024.
Năm nay, tổng vốn đầu tư tài chính của VIMC là 1.702 tỷ đồng, trong đó đầu tư 2 tàu hàng rời, trọng tải 38.000 DWT, tổng mức đầu tư 72,6 triệu USD. VIMC dự kiến tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp, giảm tỷ lệ sở hữu của VIMC tại 7 doanh nghiệp. Ngoài ra, tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn/giảm vốn của VIMC tại 9 doanh nghiệp có vốn góp (3 doanh nghiệp chuyển tiếp, 4 doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2024, góp vốn bằng giá trị cổ phiếu tại 2 doanh nghiệp),...
Về chủ trương tăng vốn điều lệ Công ty mẹ, VIMC sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ, ...; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021- 2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Dự kiến, năm 2024 - 2025, VIMC và các đơn vị thành viên sẽ đồng bộ triển khai các dự án lớn như: Liên Chiểu, Cần Giờ, ICD Lạch Huyện, ICD Nam Sài Gòn, ... và đầu tư phát triển đội tàu container. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, VIMC cho biết tại ngày 31/12/2023, tổng công ty đang còn nợ quá hạn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nên trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 xem xét, chấp thuận việc chưa thực hiện chia cổ tức.