|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu lãi trên 2.000 tỷ đồng đến năm 2025, khai thác cảng là nguồn thu chính

08:09 | 23/08/2023
Chia sẻ
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu có lãi 1.700 - 2.300 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025, thấp hơn giai đoạn đỉnh dịch nhưng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn sau tái cơ cấu, trong đó xác định khai thác cảng là nguồn thu chính với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm 6,6%/năm.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) vừa công bố chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035.

Đến năm 2025, VIMC đặt mục tiêu là đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics tích hợp tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh.

Đến năm 2025, mục tiêu doanh thu thu hợp nhất của tổng công ty đạt 13.081 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.083 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,7% và giảm 31,8% so với kết quả năm 2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

VIMC đặt mục tiêu có lãi 1.700 - 2.300 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025, thấp hơn giai đoạn đỉnh dịch nhưng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn sau tái cơ cấu. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Trong cơ cấu doanh thu năm 2025, doanh thu hoạt động khai thác cảng dự kiến là nguồn thu chính, chiếm 65% tổng doanh thu, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm. Doanh thu hoạt động vận tải biển chiếm 27% và hoạt động dịch vụ hàng hải chiếm 12% tổng doanh thu, với tốc độ giảm bình quân lần lượt là 10% và 7,6%/năm.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, đến năm 2025, đội tàu của VIMC đạt trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT, chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu biển Việt Nam; trong đó, phát triển đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 DWT (16.000 - 20.000 Teus), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

Sản lượng hàng container nội địa kỳ vọng đạt 25% thị phần, giữ vị trí số 1 của vận tải biển container nội địa. Bình quân giai đoạn 2021 - 2025, sản lượng vận tải biển dự kiến đạt khoảng 17,7 triệu tấn/năm.

Doanh thu vận tải biển đạt khoảng 4.543 tỷ đồng/năm với tốc độ giảm trung bình khoảng 10%/năm do tổng công ty tiếp tục bán, thanh lý tàu. Lợi nhuận vận tải biển đạt khoảng 770 tỷ đồng/năm. 

Với lĩnh vực cảng biển, đến năm 2025, công suất hệ thống cảng biển đạt khoảng 150 triệu tấn thông qua, tổng chiều dài cầu bến đạt khoảng 15 km, trong đó, hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn có tổng số 8 bến, chiều dài 2,5 km, công suất 20 triệu tấn/năm.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển VIMC đạt khoảng 136 triệu tấn/năm. Doanh thu khai thác cảng biển đạt khoảng 7.415 tỷ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,6%/năm. Lợi nhuận khai thác cảng biển đạt khoảng 1.970 tỷ đồng/năm.

Đối với lĩnh vực dịch vụ hàng hải, đến năm 2025, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của VIMC gồm: kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000 m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5 - 10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, doanh thu dịch vụ hàng hải đạt khoảng 1.978 tỷ đồng/năm với tốc độ giảm trung bình 7,6%/năm do tổng công ty thoái giảm vốn tại một số doanh nghiệp, một số dự án hạ tầng logistics đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa khai thác và phát huy hiệu quả. Lợi nhuận dịch vụ hàng hải đạt khoảng 52 tỷ đồng/năm. 

 Cơ cấu doanh thu của VIMC giai đoạn sau tái cơ cấu. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

VIMC thành lập từ năm 1995, từng là cánh chim đầu đàn và chiếm thế độc quyền trong lĩnh vực vận tải biển khi sở hữu đội tàu hùng mạnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế khiến giá cước vận tải biển lao dốc, VIMC rơi vào trạng thái thua lỗ, tài chính khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản.

Sau giai đoạn thực hiện đề án tái cơ cấu 2013-2015, VIMC như được hồi sinh với mức doanh thu hằng năm trên 9.000 tỷ đồng. Hiện VIMC là đang quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển trải dài khắp cả nước như Cảng Hải Phòng, Cảng Cái Lân, Cảng VMIC Đình Vũ, Cảng Đà Nẵng, Cảng Cam Ranh, Cảng Quy Nhơn, Cảng Cần Thơ, Cảng Quốc tế Cái Mép,… 

Theo ban lãnh đạo tổng công ty, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn do đội tàu nước ngoài đảm nhận, chiếm đến trên 90%, đặc biệt các tuyến biển xa như châu Mỹ, châu Âu. Đội tàu trong nước chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á.

Đội tàu của Việt Nam hiện chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài do cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải lớn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.