Loạt tập đoàn nhà nước đem về hàng tỷ USD doanh thu năm 2023
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) hiện đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo báo cáo mới công bố, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2023 ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 46 tỷ USD), vượt 5% kế hoạch năm và giảm gần 4% so với năm 2022.
Theo CMSC, nếu không tính khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi nhuận trước thuế của nhóm ước đạt 53.256 tỷ đồng, vượt 66% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 28.661 tỷ đồng, thực hiện được 89% kế hoạch năm.
Theo số liệu công bố trên CMSC, có 14/19 doanh nghiệp đã công bố chi tiết kết quả kinh doanh năm 2023. Trong đó, mức tăng trưởng doanh thu lớn nhất đến từ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) với mức tăng 36% so với năm trước đó.
Các đơn vị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cũng chứng kiến mức tăng doanh thu tới 30%.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ.
Doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhích nhẹ 1%.
Trong khi đó, những tập đoàn chứng kiến sự suy giảm doanh thu là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giảm 35%, Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor) giảm 28%, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giảm 11%, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giảm 4%.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) là đơn vị có doanh thu năm 2023 lớn nhất trong nhóm được thống kê. Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 đã lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động khi đạt 942.800 tỷ đồng (tương đương hơn 39 tỷ USD), phá kỷ lục của năm 2022 khi tăng 11.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu toàn tập đoàn tương đương 9,2% GDP cả nước.
- TIN LIÊN QUAN
-
Loạt doanh nghiệp họ dầu khí lãi lớn năm 2023 03/01/2024 - 11:33
PVN nhận định 2023 năm có nhiều khó khăn hơn thuận lợi đối với ngành dầu khí. Đó là tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường.
Biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022. Trong đó, giá dầu thô giảm 17% - 38%, dao động 88,7 - 107 USD/thùng, giá phân bón giảm 25% - 30%. Cùng với đó, biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24% - 26% so với năm 2022. Ngoài ra, lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao khiến cho cầu về tiêu dùng hàng hóa suy giảm mạnh,...
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) cho biết tổng doanh thu hợp nhất ước đạt khoảng 92.000 tỷ đồng, vượt 1,4% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ngày 16/12, ban lãnh đạo dự báo cả năm 2023, công ty mẹ ước tính lỗ khoảng 5.350 tỷ đồng, kết quả hợp nhất lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng.
Kết quả này có được là nhờ hãng đã phục hồi hoạt động khai thác và thực hiện 130.000 chuyến bay, mở thêm 4 đường bay quốc tế mới và vận chuyển trên 21 triệu lượt khách; đạt 92% so với năm 2019.
Tuy nhiên hãng hàng không vẫn đối diện với nhiều rủi ro, trong đó bao gồm yếu tố đầu vào. Giá nhiên liệu bình quân năm 2023 đạt 105,4 USD/thùng, làm chi phí nhiên liệu năm 2023 ước tăng 5.900 tỷ đồng so với năm 2019.
Vietnam Airlines cho hay với giá nhiên liệu bình quân 4 tháng cuối năm tăng/giảm 1 USD/thùng, chi phí nhiên liệu 4 tháng này sẽ tăng/giảm tương ứng khoảng 74 tỷ đồng, thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC - Mã: MVN) sở hữu 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước. Ngoài ra, tổng công ty còn quản lý đội tàu gồm 59 chiếc với tuổi tàu trung bình là 20 tuổi.
Năm 2023, doanh thu VIMC ước đạt 17.964 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, bằng 90% mục tiêu năm. So với năm 2022, doanh thu tăng 25% nhưng lợi nhuận giảm 32%.
VIMC cho biết, thị trường hàng hải năm 2023 diễn biến khó khăn. Hệ thống cảng biển của VIMC tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt rất cao trong chính sách giá, đây là lợi thế lớn trong công tác phát triển khách hàng.
Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh nhìn nhận ngành hàng hải đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt không khác gì "một cuộc chiến" và sức mua của thị trường suy giảm. Dự kiến nguồn cung tàu thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Ngược lại, năm 2024, dự báo chỉ một số ít tàu được đem đi phá dỡ,...
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đánh giá 2023 là năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập. Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tổ hợp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế, lạm phát và khủng hoảng tài chính, chi phí, giá xăng dầu, điện nước tăng mạnh. Các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá thế hệ bày bán tràn lan trên thị trường và chưa có chính sách quản lý gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn, song Vinataba đã tiếp tục chiếm gần 64% thị phần sản lượng nội tiêu toàn ngành.
Tổng doanh thu công ty trong năm 2023 ước đạt 30.200 tỷ đồng, vượt 10% so kế hoạch đề ra và tăng hơn 36% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ước đạt 1.800 tỷ đồng, vượt 30% so với chỉ tiêu cả năm và giảm nhẹ gần 3%.
Chiều ngược lại, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn Cao su - Mã: GVR) cho biết tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng, giảm lần lượt 4% và 30% so với thực hiện năm 2022.
Những ngày cuối tháng 12/2023, Tập đoàn Cao su đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Nhờ vậy, Tập đoàn báo cáo thực hiện được lần lượt 89% mục tiêu doanh thu và vượt 1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhìn chung cả năm, Tập đoàn Cao su cho biết giá bán mủ cao su bình quân năm 2023 đạt 30,49 triệu đồng/tấn, giảm 6,55 triệu đồng/tấn so với giá bán kế hoạch, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của các công ty cao su trong ngành.
Tính riêng quý IV/2023, doanh thu hợp nhất tập đoàn ước khoảng 18.632 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.835 tỷ, tăng 6% và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết quả lợi nhuận này cũng cao nhất kể từ quý I/2021.
Kết quả này có được trong bối cảnh giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao su giảm trong 2 quý đầu năm, sau đó tăng trở lại trong quý III và IV/2023.
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thông tin năm qua, giá phân bón trên thị trường thế giới giảm sâu; tình trạng tăng nguồn cung nhập khẩu vào Việt Nam nhất là phân bón và sản phẩm hóa chất,... đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn. Trong khi đó, giá một số mặt hàng xuất khẩu (cao su, chất tẩy rửa, phân bón) giảm mạnh do hạn chế chi tiêu của các nước cũng gây khó khăn cho các đơn vị thuộc tập đoàn.
Kết quả, doanh thu hợp nhất ước đạt 55.286 tỷ đồng (là năm có doanh thu cao thứ hai sau năm 2022), giảm 11%. Lợi nhuận ước đạt 3.277 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.922 tỷ đồng.