Vinatex ước lãi thấp nhất 9 năm, hi sinh 1.500 tỷ đồng lợi nhuận để ổn định thu nhập cho người lao động
Tại buổi Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) cho biết doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 17.225 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng.
Vào tháng 11/2023, cổ đông Vinatex đã thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu xuống mức 16.500 tỷ đồng và mục tiêu lãi trước thuế còn 370 tỷ đồng. Nhờ đó, tập đoàn đã vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và vượt 2% kế hoạch lợi nhuận sau điều chỉnh.
Tuy nhiên so với năm 2022, kết quả trên lần lượt giảm 5% về doanh thu và giảm 69% về lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính (2015).
Như vậy tính riêng quý IV, tập đoàn đem về 5.118 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 89 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và gấp 3,7 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2022.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, ngành dệt may trong năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn, lượng đơn hàng và đơn giá gia công đều giảm 20 - 30%(cá biệt có đơn hàng giá giảm đến 40%). Ngành sợi cũng phải chịu cảnh thị trường ảm đạm, tín hiệu đơn hàng chỉ tính theo tháng, đơn vị phải kinh doanh dưới giá thành…
Các doanh nghiệp trong Tập đoàn có nhiều giải pháp như chấp nhận những đơn hàng có đơn giá thấp, không có lãi nhưng người lao động có việc làm; nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm thì bố trí làm việc luân phiên, nghỉ thứ bảy, không tăng ca, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, có thu nhập…
Với đơn giá thấp, các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ ổn định thu nhập cho người lao động. Phương thức này làm giảm lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng.
Năm 2024, dự báo thị trường tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 390 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 2% và 4% so với ước tính năm ngoái.
Năm nay, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam là 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, điều này kỳ vọng sẽ cải thiện nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 dồi dào hơn 2023.
Tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như miễn giảm thuế, tiền thuê đất tiếp tục kéo dài sang năm 2024.
Ở chiều ngược lại, nhiều thách thức cũng đang chờ đón doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, đặc biệt là EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi...
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas cùng với những chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước,...