|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinatex ước lãi 9 tháng giảm 79% so với cùng kỳ

15:32 | 18/10/2023
Chia sẻ
Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của Vinatex cũng như các thành viên bị ảnh hưởng khi số lượng đơn hàng giảm, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn​, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng bị giãn tiến độ... Về năm 2024, Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh tổng thể thị trường nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ.

 Ảnh: Vinatex.

Tại Hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT),  Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cho biết 9 tháng năm 2023 dự kiến doanh thu của tập đoàn đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch năm.

Năm 2023, Vinatex lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 50% so với năm ngoái.

Như vậy, ước tính doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 khoảng 12.425 tỷ đồng và lãi trước thuế 244 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng quý III, Vinatex thu về 4.321 tỷ đồng, lãi trước thuế 71 tỷ, giảm lần lượt 6% và 65% so với quý III/2022.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Theo Vinatex, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn kéo dài do các doanh nghiệp bị tác động bởi các nhân tố: Tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng; Cục dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao; châu Âu nhiều bất ổn, đứng trên bờ vực suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, Nhật Bản phá giá đồng yen nhưng vẫn không thúc đẩy được xuất khẩu.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý II, lãi suất VND ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ… 

Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng​, nhỏ lẻ, yêu cầu cao​, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn​, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, đại diện Vinatex nhận định.

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, xu hướng thị trường quý IV/2023 có những chuyển biến tích cực khi Fed không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm; thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát EU tháng 9 giảm 4,3%. Tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 4,6% so với cùng kỳ ​năm 2022.

Về thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam, kim ngạch tháng 8/2023 đạt đỉnh 4,06 tỷ USD. Kim ngạch tháng 9 tuy có giảm nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ.

Trong đó, ngành khăn - gia dụng tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành dệt - nhuộm không có nhiều thay đổi so với 9 tháng đầu năm; ngành may đang có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi. ​Còn với ngành sợi, giá bông đưa vào sản xuất quý III và IV/2023 hiện đã tiệm cận giá thị trường và ở mức thấp hơn so với 6 tháng đầu năm giúp ngành sợi có hiệu quả hơn. 

Lãnh đạo các đơn vị trong tập đoàn nhận định, khó khăn sẽ còn kéo dài đến năm 2024, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm. Giải pháp cấp thiết trước mắt là tiếp tục bám sát và phát triển thị trường, trong đó tập trung tìm cơ hội từ thị trường Mỹ; đổi mới phương thức quản trị; nâng cao năng suất, trình độ; mạnh dạn chuyển đổi và sản xuất những mặt hàng mới…

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đông quản trị Vinatex, nhấn mạnh tổng thể thị trường 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ. Tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5 - 7%, xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên; ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chính sách chặt chẽ hơn với sản phẩm có lao động cưỡng bức. 

Ông Lê Tiến Trường cũng chỉ ra những cơ hội mới như dịch chuyển nguồn cung ứng (sourcing) sợi từ Trung Quốc, FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước. Các sản phẩm chuyên dụng, cao cấp, kể cả nguồn nguyên liệu cao cấp dự báo khả năng tăng trưởng theo thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường nội địa...

Chủ tịch Vinatex cũng đưa ra ba kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu, kịch bản ngành sợi, may và đề nghị đơn vị xác định hướng xây dựng kế hoạch năm 2024. Cụ thể, ngành may tăng trưởng doanh thu từ 3 - 5%, lợi nhuận từ 85 - 100% so với năm 2023, ngành sợi xây dựng tăng 10% so với năm 2023 do tỷ lệ huy động thiết bị tăng lên trên nền giá bông dự báo từ 2,5 – 2,6 USD/kg.

Minh Hằng

SGI Capital: TTCK đang khan hiếm cơ hội khi thanh khoản chưa sớm cải thiện
SGI Capital nhận định các thông tin vĩ mô trong nước tích cực gần đây không còn có tác động tích cực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Môi trường hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro và biến động lớn trong khi tương đối khan hiếm các cơ hội rõ nét.