|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may đầu tiên cán đích lợi nhuận năm 2023

21:03 | 03/01/2024
Chia sẻ
May 10 là doanh nghiệp dệt may đầu tiên công bố lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023 bất chấp những ảnh hưởng bất lợi từ thị trường.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10. (Ảnh: May 10).

Tại Lễ phát động thi đua năm 2024 sáng ngày 2/1, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 (Mã: M10) cho biết 2023 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của May 10 tương đối khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch.

Cụ thể, tổng doanh thu của công ty ước đạt 4.248 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 123 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 18% so với năm 2022. Kết quả này vượt hơn 1% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 12% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm.

Nếu tính riêng quý IV/2023, doanh thu của May 10 ước đạt 1.213 tỷ đồng, tăng 12% nhưng lãi trước thuế lại giảm 48% đạt 30 tỷ đồng.

Lợi nhuận năm ngoái của May 10 giảm so với năm 2022 nhưng cũng cao hơn nhiều những năm trước và trong đại dịch. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty).

Ông Việt cho biết những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế... là những thách thức mà ngành dệt may đã phải đối mặt trong năm 2023.

Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may như Mỹ, EU… đã khiến các doanh nghiệp quy mô từ lớn đến nhỏ, chuỗi giá trị hay gia công đều chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Năm 2024, tổng công ty May 10 đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 130 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 7% và 6% so với năm 2023.

Thị trường được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các quốc gia nhập khẩu lớn của ngành dệt may như: EU, Mỹ… sẽ áp dụng các cơ chế nghiêm ngặt như: cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…

Đồng thời các nhãn hàng tiến tới chuyển đổi dần sang chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”…

Những điều này sẽ kéo theo đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao…, lãnh đạo May 10 nhận định.

Minh Hằng