Tỷ lệ doanh nghiệp toàn cầu bị lừa đảo trong năm 2022 lên tới 46%, tránh 'bẫy' thanh toán bằng cách nào?
Tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”, ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ tịch Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (Hami) dẫn số liệu của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho biết mỗi năm có khoảng 5% doanh nghiệp thiệt hại vì các vụ lừa đảo, giá trị trung bình khoảng 1,7 triệu USD/vụ.
Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp toàn cầu là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Trong đó, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...
“Việt Nam đang có thế mạnh về thương mại quốc tế, hai năm gần đây dù chịu tác động từ dịch Covid-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên sân chơi khi mở rộng thì đồng nghĩa với rủi ro với những tranh chấp thương mại nhiều hơn”, ông Cường nhận định.
Ông Cường dự báo rủi ro trong thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, để phòng ngừa vấn đề này, Hami khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hoàn thiện bộ máy, nhân sự và hệ thống quản trị rủi ro.
Là một doanh nghiệp dệt may có số lượng công nhân lên tới 120.000 người, Tổng công ty May 10 cũng có những giải pháp kiểm soát rủi ro, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Chia sẻ trong hội thảo, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc thường trực May 10 cho biết doanh nghiệp này thường lựa chọn các thị trường có nền kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng lớn và hệ thống tài chính, thanh toán linh hoạt như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Australia, Hàn Quốc…
Khi xác định được thị trường mục tiêu, May 10 tìm kiếm và hợp tác với các nhãn hàng lớn, có thương hiệu nhằm đảm bảo khả năng duy trì số lượng đơn hàng, nguồn hàng lớn cho năng lực sản xuất mỗi tháng của các nhà máy chúng tôi.
Nhấn mạnh về điều khoản thanh toán, ông Bạch Thăng Long thông tin đối với hàng xuất khẩu, May 10 áp dụng các điều kiện thanh toán mang tính an toàn cao như thanh toán bằng thư tín dụng L/C, thanh toán trả trước… thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn có uy tín.
Còn đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu, doanh nghiệp này kết hợp kiểm tra toàn bộ các giải pháp kiểm tra về thông tin thanh toán, đặc biệt với những thanh toán lần đầu từ phía các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hong Kong…
“Thanh toán lần đầu cần kiểm tra số tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp bằng cách gọi điện trực tiếp, qua fax, qua các phần mềm chat trực tiếp, qua khách hàng chỉ định/bảo lãnh đặt nguyên phụ liệu… Khi đảm bảo chắc chắn an toàn thì chúng tôi mới thực hiện thanh toán”, ông Bạch Thăng Long nói.
Về phía doanh nghiệp nhập khẩu, bà Đàm Việt Anh, Giám đốc CTCP Tập đoàn 911, doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại máy móc xây dựng khẳng định rằng trong giao thương quốc tế có 6 rủi ro chính, bao gồm tiền tệ, chính sách và pháp luật, vận chuyển và thời gian giao hàng, chất lượng và độ tin cậy của hàng hóa, khả năng thanh toán, và ngôn ngữ.
Thông tin về nguy cơ trong thanh toán, bà Việt Anh chia sẻ một số trường hợp thường xuyên xảy ra như không thanh toán đầy đủ hoặc đúng hạn; thay đổi quy định về thanh toán; rủi ro về các phương thức thanh toán chuyển tiền.
Với vai trò người mua hàng, doanh nghiệp 911 cũng có những thời điểm khó khăn về tài chính, điển hình như giai đoạn thị trường xây dựng, bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp trong ngành chưa rót vốn để nhập máy móc. Trong khi đó, đơn hàng đã đặt và cần thanh toán một phần hoặc toàn phần cho nhà cung cấp.
Trong trường hợp này, kinh nghiệm của doanh nghiệp 911 là xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp, chia sẻ với họ về những khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn sự đồng hành của đối tác, 911 sẽ cam kết thanh toán trước một phần giá trị đơn hàng.
Nhờ uy tín hợp tác trong nhiều năm, đối tác đã cho 911 giãn nợ, cung cấp thêm hạn mức tín dụng về thanh toán, đảm bảo cho doanh nghiệp có một lượng hàng nhất định giao cho các doanh nghiệp xây dựng.
Trong giao thương quốc tế nói chung, bà Đàm Việt Anh cho rằng các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các thị trường, khách hàng sắp hợp tác, xây dựng mối quan hệ tốt với đối tác, đàm phán hợp đồng rõ ràng, chuẩn bị phương án phòng rủi ro tín dụng và sử dụng các công cụ bảo hiểm…