Doanh thu tiêu thụ năm của TNG cao kỷ lục
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố kết quả doanh thu tiêu thụ năm 2023 đạt 7.085 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với năm 2022. Đây cũng là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết trên sàn (2007).
Trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu của TNG, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 53%, kế đến là EU với 22%, Nga đóng góp 6% và còn lại là các thị trường khác.
Như vậy tính riêng tháng 12, doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 525 tỷ đồng, tăng hơn 20% và là tháng thứ 6 tăng trưởng liên tiếp so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây là tháng có kết quả thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
2023 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may Việt Nam. "Những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức...” là những thứ mà ngành dệt may đã phải đối mặt trong năm 2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ.
Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may như Mỹ, EU… đã khiến các doanh nghiệp quy mô từ lớn đến nhỏ, chuỗi giá trị hay gia công đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong sự kiện mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dệt may Việt Nam đang nhìn thấy tín hiệu tốt hơn từ quý I/2024 so với năm trước, khi kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhất định; sự “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ cũng như kinh tế châu Âu và chỉ số lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp dệt may vẫn cần nhận thức rõ bài học của năm 2023, khi thị trường mới thay đổi liên tục, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng có thay đổi rất nhanh chóng. Vì thế năm 2024 được xác định vẫn là năm thử thách đối với ngành dệt may.