Cổ phiếu cá, tôm xanh, tím hàng loạt, triển vọng đầu tư ngành thủy sản có sáng năm 2022?
Kết thúc phiên giao dịch thứ hai của năm Nhâm Dần, VN-Index chính thức lấy lại mốc 1.500 điểm sau nhiều lần lỗi hẹn. Thanh khoản trong phiên duy trì ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 22.556 tỷ đồng, giảm 13% so với trung bình tháng 1, cho thấy tâm lý dòng tiền vẫn duy trì thận trọng.
Phiên hôm nay tiếp tục chứng kiến sự bật tăng của nhiều cổ phiếu lớn giúp đà tăng của thị trường được củng cố. Trong đó, hào quang lớn nhất thuộc về nhóm thép với nhiều mã tăng kịch trần như HSG, NKG, TLH, POM và SMC, thậm chí bluechips như HPG cũng bật tăng 5,8% lên 45.550 đồng/cp và là trụ đỡ quan trọng nhất của thị trường.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thủy sản cũng có những tín hiệu tích cực khi các nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự phục hồi và phát triển của nhóm ngành này trong năm nay. Theo quan sát, cổ phiếu ngành thủy sản đã ghi nhận phiên hồi phục thứ hai liên tiếp.
Dòng tiền đổ vào cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn giúp mã này tăng trần lên 67.600 đồng/cp với khối lượng giao dịch ghi nhận mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Cổ phiếu của "nữ hoàng cá tra" kết phiên tím ngắt trần bất chấp đà bán ròng gần 35 tỷ đồng của khối ngoại.
Tương tự, IDI của Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I cũng tăng hết biên độ lên 13.500 đồng/cp, khối lượng dư mua trần lên tới gần 2 triệu đơn vị, CMX của Camimex Group và ANV của Nam Việt cũng đóng cửa trong sắc tím trần. Mặc dù không tăng hết biên độ nhưng các cổ phiếu thủy sản khác cũng không kém cạnh với mức tăng tốt như FMC (+4,1%), ACL (+2,7%), MPC (+2%),...
Nhóm cổ phiếu cá, tôm diễn biến khởi sắc trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành thông báo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Đơn cử như Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu năm 2021 đạt 5.199 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 287 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2020. Đây là kết quả lãi cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của công ty.
FMC cho biết năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của Sao Ta, góp phần bù đắp cho mảng chế biến nông sản của công ty trong năm qua.
Cụ thể, sản lượng tôm chế biến đạt 22.790 tấn, tăng 12% so năm 2020, sản lượng tôm tiêu thụ 18.370 tấn, tăng 7%. Còn sản lượng nông sản tiêu thụ ước 1.590 tấn, tăng 32% so ngoái.
Tương tự, ông lớn Vĩnh Hoàn cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần tăng gần 39% so với cùng kỳ lên 2.639 tỷ. Biên lãi gộp tăng từ 12,3% lên 23,7%.
Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp lãi sau thuế 461 tỷ đồng, tăng 174%. Đây cũng là kết quả lợi nhuận cao nhất của "nữ hoàng cá tra" kể từ quý IV/2018.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt hơn 9.054 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ, lần lượt tăng 28% và 54% so với 2020. Với kết quả này, Vĩnh Hoàn vượt 4,7% mục tiêu doanh thu và vượt 84% mục tiêu lợi nhuận năm.
Ngành thủy sản duy trì tăng trưởng tích cực nhưng việc định giá lại là một thách thức
Đánh giá về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022, Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chính sẽ phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Thị trường Trung Quốc có mức sụt giảm 22% trong 2021 bởi chính sách zero COVID. Sang 2022, xuất khẩu sang thị trường này có thể phục hồi tốt trên mức nền thấp khi dịch bệnh được kiểm soát và Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu
Với Mỹ, đây là thị trường đóng góp lớn nhất vào giá trị xuất khẩu khi có mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ bởi nhu cầu tăng đột biến do gỡ bỏ các lệnh phong tỏa và các gói kích thích kinh tế. Trong năm 2022, nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát.
Liên quan đến vấn đề cước vận tải biển, báo cáo của Agriseco cho biết chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đã giảm 60% sau khi lập đỉnh, đây là một dấu hiệu cho thấy cước vận tải biển sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Theo đó, công ty chứng khoán đánh giá cước vận tải sẽ dần hạ nhiệt trong năm 2022, giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy vậy vẫn ở mức cao so với trước đại dịch COVID-19.
Với quan điểm thận trọng hơn, Chứng khoán SSI cho rằng triển vọng năm 2022 của ngành thuỷ sản vẫn mang màu sắc tích cực nhưng việc định giá lại sẽ là một thách thức.
Với sự không chắc chắn về các biến thể mới của COVID-19, kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 vẫn khiêm tốn ở mức 8,73 tấn về sản lượng và 9 tỷ USD về giá trị (không tăng trưởng).
"Chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ tương tự như năm 2021 ở một số khía cạnh nhu cầu tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý II/2022", báo cáo của SSI nêu.
Ngoài thị trường Mỹ, công ty chứng khoán kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, giá bán bình quân được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi.
Theo quan sát, giá cá nguyên liệu tăng 13% so với cùng kỳ và 8% so với quý trước trong quý IV/2021 do nguồn cung thiếu hụt do diện tích nuôi giảm khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hôi trong quý III/2021. Dữ liệu của AgroMonitor cho thấy nguồn cung cá tra giảm 14% so với cùng kỳ trong tháng 11/2021.
Theo VASEP, diện tích nuôi cá tra giảm 30 - 50% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý I/2022. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu và có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý I/2022 vì rất khó để chuyển hoàn toàn sang giá bán bình quân. Do chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý II/2022.