Cỏ khô bị cuốn vào bão táp thương mại Trung Quốc - Australia
Hai tháng sau khi hết hạn, giấy phép xuất khẩu cỏ khô sang Trung Quốc của 25 doanh nghiệp Australia vẫn chưa được gia hạn, trong khi xung đột chính trị - thương mại giữa hai nước vừa đánh dấu cột mốc một năm.
Theo đưa tin từ SCMP, Tổng cục Hải quan Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận, còn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ không nắm được tình hình cụ thể. Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1/3 trong tổng cộng 1,2 triệu tấn cỏ khô mà 35 doanh nghiệp trên khắp Australia chế biến được.
Ông Munro Patchett - Tổng Giám đốc Gilmac (nhà xuất khẩu cỏ khô lớn nhất Australia), cho biết 25 doanh nghiệp cỏ khô của đất nước châu Đại Dương đang liên lạc với hải quan Trung Quốc và chờ đợi kết quả. Vài tháng trước khi giấy phép hết hạn, 25 công ty này đã đệ đơn xin gia hạn giấy phép thêm 5 năm.
25 doanh nghiệp cỏ khô của Australia đã tạm ngừng xuất hàng sang Trung Quốc từ tháng 2 năm nay do lo ngại rằng các lô hàng sẽ bị tắc nghẽn ở các cảng và không được thông quan. Ba doanh nghiệp khác có giấy phép còn hiệu lực vẫn đang tiếp tục vận chuyển cỏ khô đến đất nước tỷ dân.
Kể từ khi Trung Quốc và Australia bị cuốn vào xung đột chính trị - thương mại từ năm ngoái, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng hóa Australia ứ đọng tại các cảng biển Trung Quốc.
Quan hệ song phương giữa hai đối tác thương mại lâu năm đã chạm mức thấp kỷ lục sau khi Canberra kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 mà không tham vấn trước với Bắc Kinh.
Trong một chương trình truyền hình phát sóng ngày 19/4/2020, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã đề nghị cử một tổ chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc điều tra nguyên nhân của đại dịch COVID-19.
Bà Payne nói thêm: "Chúng tôi đề cao tính minh bạch. Australia có mối quan hệ chiến lược toàn diện khăng khít với Trung Quốc dựa trên 5 trụ cột chính. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cần phải đánh giá lại mối quan hệ sau những biến động trong nền kinh tế toàn cầu, trong lĩnh vực an ninh y tế quốc tế và nhiều vấn đề khác".
Trong tuần đó, các chính trị gia khác của Australia cũng hưởng ứng với lời kêu gọi của Ngoại trưởng Payne. Thủ tướng Scott Morrison còn đề nghị cho phép các điều tra viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tự do nghiên cứu như các điều tra viên vũ khí do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Sau "cuộc thảo luận mang tính xây dựng" với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, ông Morrison còn mong muốn Australia sẽ đóng vai trò điều phối trong cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Thủ tướng Australia đã thu hút sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo thế giới, dù các nước như Anh và Pháp cho rằng cùng nhau chống dịch là điều quan trọng hơn hết so với đổ lỗi lẫn nhau.
Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội trước những cáo buộc từ chính quyền Canberra, ngay lập tức khẳng định hành động của Australia là vô căn cứ.
"Bất kỳ nghi ngờ nào về tính minh bạch của Trung Quốc không chỉ không phù hợp với thực tế mà còn là sự thiếu tôn trọng với những nỗ lực và hy sinh to lớn của người dân Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng.
"Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 là một câu hỏi khoa học nghiêm túc, cần được các nhà khoa học và chuyên gia y tế bắt tay vào nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng Australia có thể xử lý vấn đề này một cách khách quan, khoa học và công tâm", ông Cảnh nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng dường như còn ám chỉ Mỹ: "Chúng tôi mong muốn Australia sẽ hành động nhiều hơn để làm sâu sắc mối quan hệ Trung Quốc - Australia, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và giúp đẩy lùi dịch bệnh ở cả hai nước thay vì tát nước theo mưa cùng một quốc gia nào đó để làm căng thẳng tình hình chung".
Dù kêu gọi "tin tưởng lẫn nhau" nhưng Bắc Kinh vẫn áp các biện pháp trừng phạt đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Canberra như lúa mạch, thịt bò, rượu vang, tôm hùm và than đá.
Lúa mạch và rượu vang của Australia đều bị Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng vào năm ngoái. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Bắc Kinh chỉ mới khởi xuớng 4 vụ kiện chống bán phá giá chống lại Australia, trong khi Canberra đã khởi xướng 87 vụ kiện chống lại hàng Trung Quốc.
Sau đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình còn ngừng nhập khẩu lúa mạch, rượu vang, bông, đồng, than, đường và tôm hùm của Australa một cách không chính thức. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cấm nhập khẩu gỗ tròn từ Australia với lý do sâu bệnh.
Khi Trung Quốc "cấm" nhập khẩu than Australia vào tháng 10 năm ngoái, khoảng 50 - 60 tàu chở than phải lênh đênh ngoài khơi Trung Quốc. Một số đã cập cảng để thủy thủ lên bờ, nhưng hàng hóa thì vẫn còn trên tàu.
Các nhà xuất khẩu rượu vang, tôm hùm và trái cây của Australia cũng gặp tình cảnh tương tự, hoặc bị nghẽn trong quá trình thông quan vì các lỗi khác nhau như dán nhãn không đúng, dù các trường hợp này thường xuyên xảy ra trước khi hai nước rơi vào xung đột.
Bất chấp quan hệ băng giá, thương mại giữa Australia và Trung Quốc vẫn tương đối ổn định ở các mặt hàng không bị cấm. Đặc biệt, xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng vì Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động công nghiệp để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái hậu COVID-19.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đạt 145,2 tỷ AUD (tương đương 112,4 tỷ USD), chỉ giảm 2,16% so với con số 148,4 tỷ AUD của năm 2019. Số liệu năm 2019 là mức cao nhất từng được chính phủ Australia ghi nhận kể từ năm 1988.