Trung Quốc chuyển sang mua than Mỹ sau khi cạch mặt than Australia
Trung Quốc và Australia bắt đầu xung đột gay gắt sau khi chính quyền Canberra kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế tại Trung Quốc để xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Bắc Kinh tức giận và ra lệnh áp thuế cao ngất lên nhiều hàng hóa của Australia và tháng 10 năm ngoái thì cấm nhập khẩu than của đất nước châu Đại Dương. Lệnh cấm này khiến nhiều tàu chở than phải lênh đênh ngoài khơi Trung Quốc.
Trước kia Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung than của Indonesia, Nga, Mông Cổ và Australia. Giờ đây Trung Quốc đang dần tăng nhập khẩu than từ Mỹ, Nam Phi và Colombia. Kể từ lệnh cấm đối với Australia, các nhà cung ứng than chính của Trung Quốc không tăng thì cũng giữ nguyên khối lượng xuất khẩu than sang đất nước tỷ dân.
Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, Mỹ bán được gần 300.000 tấn than cốc cho Trung Quốc trong tháng 2 năm nay. Tháng 10 năm ngoái, con số này là gần bằng 0.
Nhập khẩu than của Mỹ vừa giúp Trung Quốc lấp đầy khoảng trống nguồn cung do lệnh cấm đối với Australia tạo ra, vừa giúp Bắc Kinh hoàn thành cam kết mua thêm 52,4 tỷ USD hàng hóa năng lượng trong hai năm, theo khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện được khoảng 80% cam kết mua hàng hóa năng lượng với Mỹ, báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ đạt được khoảng 39% mục tiêu đề ra cho nhóm hàng năng lượng.
Theo South China Morning Post, đây không phải lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu được nhiều than sang Trung Quốc như vậy, dù hoạt động mua hàng của đất nước tỷ dân có xu hướng biến động và thất thường trong vài năm qua.
Trái lại, tổng khối lượng than cốc và than nhiệt Australia xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm từ 2,5 triệu tấn trong tháng 10/2020 xuống con số 0 tròn trĩnh từ tháng 12 cùng năm cho đến nay.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) dẫn lời ông Lin Boqiang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn cho biết mỗi năm Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ khoảng 4 tỷ tấn than, trong đó khoảng 200 - 300 triệu tấn đến từ Australia, tức là chỉ khoảng gần 8%.
Trong tháng 1/2021 khi thị trường tỷ dân cấm cửa, tổng lượng than nhiệt xuất khẩu của Australia lao dốc chỉ còn gần 15,8 triệu tấn.
Trong sự kiện công bố kết quả kinh năm 2020 vào tháng trước, công ty than Warrior Met Coal của Mỹ cho biết lệnh cấm của Trung Quốc đối với than Australia đã mở ra cánh cửa cơ hội cho ngành khai thác than của Mỹ.
Khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều khách hàng Trung Quốc phải vội vã tìm kiếm các nguồn cung than cao cấp vốn rất hạn chế từ các thị trường khác ở châu Âu và Nam Mỹ, CEO Walter Scheller của Warrior Met Coal cho hay.
"Chúng tôi đã thành công thu hút thêm khá nhiều khách hàng Trung Quốc trong quý IV/2020. Qua đó, Warrior Met Coal có thể bù đắp phần nào ảnh hưởng từ việc giá than liên tục trầm lắng thời gian qua", ông Scheller nhấn mạnh.
Tổn thất của Australia đã tạo ra lợi nhuận mới cho Mỹ, giới phân tích nhận định.
"Sau cùng, lệnh cấm nhập khẩu than Australia đã mở đường cho nhiều thương hiệu than của Mỹ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Chuyện này khó xảy ra nếu Australia vẫn bán được than cho Trung Quốc", nhà phân tích Lee Rou Urn của công ty tư vấn hàng hóa Argus Media lưu ý.
"Dù vậy, than cốc luyện thép của Mỹ vẫn thua kém so với sản phẩm của Australia về nhiều mặt như chất lượng, sản lượng thấp khó có thể bì kịp nguồn cung khổng lồ mà Australia xuất khẩu sang Trung Quốc trong quá khứ", ông Lee nói thêm.
Lệnh cấm đối với than Australia cũng tạo ra những thay đổi trong hoạt động thương mại ở nền kinh tế tỷ dân. Do thiếu nguồn than chất lượng cao - thường nhập từ Australia, các nhà máy thép Trung Quốc buộc phải chấp nhận nguồn cung than địa phương chất lượng thấp hơn. Họ phải phối trộn nhiều loại than để tạo ra sản phẩm thép chất lượng, ông Lee của Argus Media thông tin.
"Đúng là ở thời điểm hiện tại thì Trung Quốc đang thiếu than cốc thật, nhưng họ đang cố gắng khơi thông bế tắc, có thể bằng cách pha trộn để sử dụng nhiều than trong nước hơn hoặc nhập càng nhiều than chất lượng cao từ Mỹ và Canada càng tốt", nhà phân tích Lee tiếp tục.
Theo SCMP, Trung Quốc đang tăng cường sản lượng than trong nước khi không có nhập khẩu từ Australia. Tuy nhiên, nước này cũng phải đối mặt với một số thách thức mới, chẳng hạn như lệnh cấm biên đối với nhà cung ứng than cốc lớn là Mông Cổ, đặc biệt là sau khi giới chức phát hiện một ca nhiễm COVID-19 tại một mỏ than ở Mông Cổ vài tuần trước.
"Nếu tình hình không sớm được kiểm soát, đây có thể là giọt nước tràn ly, buộc Trung Quốc phải tính đến trường hợp mở lại cánh cửa cho than cốc của Australia", Giám đốc điều hành Atilla Widnell của Navigate Commodities nhận định.