|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có gì trong 'rổ' chính sách của Trung Quốc sau phiên họp quốc hội thường niên?

07:37 | 30/05/2020
Chia sẻ
Trung Quốc vừa kết thúc phiên họp quốc hội thường niên - sự kiện quan trọng nhất trong năm. Tại đây, Bắc Kinh đã quyết định từ bỏ mục tiêu GDP và công bố kế hoạch phát triển công nghệ trị giá 1.400 tỉ USD cùng nhiều sáng kiến mới nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi vũng lầy COVID-19.
Có gì trong 'rổ' chính sách của Trung Quốc sau phiên họp quốc hội thường niên? - Ảnh 1.

Màn hình truyền hình trực tiếp bài phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường khi bế mạc phiên họp quốc hội thường niên ngày 28/5. (Ảnh: Bloomberg)

Bloomberg đã tổng hợp lại một số chính sách kinh tế quan trọng trong phiên họp quốc hội của Trung Quốc vừa qua:

Từ bỏ mục tiêu tăng trưởng, chú trọng tăng việc làm

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ, chính phủ Trung Quốc đã quyết định từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP. Trong khi đó, Bắc Kinh lại đề ra mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng thêm hơn 9 triệu việc làm ở thành thị và duy trì lạm phát quanh ngưỡng 3,5%.

Hủy bỏ việc thiết lập mục tiêu tăng trưởng là điều hiếm khi xảy ra ở một đất nước mà hoạch định của toàn bộ bộ máy chính trị đều phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng như Trung Quốc.

Quyết định từ bỏ mục tiêu GDP cho thấy Bắc Kinh đang dần chấp nhận thực tế là tăng trưởng năm 2020 sẽ rất yếu. Điều đó đương nhiên khiến chính phủ Trung Quốc mất nhiều thời gian hoạch định chính sách hơn để không phải tung ra các gói kích thích kinh tế lớn và tích lũy nợ.

Thay vì công bố mục tiêu GDP, Bắc Kinh đã nhấn mạnh việc cần phải giảm tỉ lệ thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì khả năng thanh toán, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm và năng lượng cũng như ổn định thu nhập hộ gia đình.

Theo Bloomberg, vào tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị - khu vực thường chiến khoảng một nửa lực lượng lao động tại đất nước tỉ dân là 6% và chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu giữ vững con số đó.

Hơn 100 triệu người lao động Trung Quốc đã mất việc hoặc bị gián đoạn công việc do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc phiên họp quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: "Bảo vệ việc làm, sinh kế và hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta tăng trưởng tích cực và bền vững trong năm nay, đồng thời giúp nền kinh tế phát triển ổn định".

Kích thích tài khóa tăng mạnh

Mục tiêu thâm hụt tài khóa được nới rộng đến 3,6% GDP. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đặt mục tiêu bán 3.750 tỉ nhân dân tệ trái phiếu cơ sở hạ tầng đặc biệt và 1.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể chậm thanh toán phí an sinh xã hội và thuế trong năm nay.

Theo ước tính của hai nhà kinh tế David Qu và Chang Shu thuộc Bloomberg Economics, giả định chính phủ Trung Quốc sẽ chi tiêu toàn bộ số tiền nêu trên thì gói kích thích tài khoá mới thực chất có thể tương đương khoảng 11% GDP năm 2020.

Các ước tính khác chỉ ra  gói kích thích tài khóa trên có thể tương đương 9% GDP năm 2020, khiêm tốn hơn so với các biện pháp cứu trợ mà các nền kinh tế lớn đã cam kết đưa ra.

Theo tính toán của Bloomberg, mức chi tiêu của Bắc Kinh nên tăng nhanh hơn so với tốc độ mở rộng của nền kinh tế để chạm ngưỡng 37,4 nghìn tỉ nhân dân tệ.

Có gì trong 'rổ' chính sách của Trung Quốc sau phiên họp quốc hội thường niên? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nếu cần thì chính quyền Bắc Kinh có thể tung ra nhiều kích thích tài khóa hơn, Thủ tướng Lý Khắc Cường trấn an nhà đầu tư hôm 28/5.

"Nếu có bất kì thay đổi lớn nào xảy ra trong nền kinh tế hoặc ở những khía cạnh khác, chúng tôi sẽ dành thêm dư địa chính sách cho các mặt trận tài khóa, tài chính, an sinh xã hội,... Chúng tôi có thể công bố thêm chính sách mà không e dè gì", ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.

Theo ông Chang Jian, nhà kinh tế trưởng của Barclays (Hong Kong), cho biết các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đã hình thành nên "một số nguyên tắc chỉ đạo mới" trong thời kì suy thoái kinh tế những năm gần đây. Đáng chú ý, các quan chức này đã chuyển sang hướng nới lỏng chính sách đo lường và hạn chế hơn.

Do đó, ông Jian nhận định chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ "cẩn trọng và triển khai kích thích tài khóa ở tốc độ vừa phải thay vì ào ạt cùng lúc".

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng qua chính sách tiền tệ

Theo Bloomberg, lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và tỉ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng thương mại đều sẽ được cắt giảm. Đồng thời, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng "sẽ cao hơn đáng kể" so với năm 2019.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra nhiều công cụ mới để đảm bảo nguồn vốn "trực tiếp tiếp cận" nền kinh tế.

PBoC dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay nhằm bổ trợ cho lượng lớn trái phiếu chính phủ bán ra và các kích thích tài khóa khác. Tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ "cao hơn đáng kể" so với năm 2019, đồng thời một số quan chức cho hay họ có thể chấp nhận khối nợ tăng lên.

Bình luận về các công cụ tiền tệ mới cũng làm dấy lên đồn đoán về việc liệu PBoC có sắp lập một kế hoạch nào đó tương tự Chương trình Cho vay Phố Main dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay không. Tuy nhiên, Thống đốc PBoC Dịch Cương đã dập tắt hi vọng này.

Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng công nghệ

Trong phiên họp quốc hội, các quan chức cho biết Bắc Kinh dự định rót 1.400 tỉ USD vào nền kinh tế thông qua việc triển khai nhiều dự án công nghệ, từ phát triển mạng không dây cho đến trí tuệ nhân tạo.

Trong vài năm tới, Bắc Kinh có kế hoạch bơm hơn 2.500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 352 tỉ USD) để xây dựng hơn 550.000 trạm gốc (một công trình quan trọng cho cơ sở hạ tầng mạng 5G) và 500 tỉ nhân dân tệ khác vào các dự án điện cao thế.

Báo cáo làm việc của Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ: "Ưu tiên chính sách năm nay sẽ dành cho các sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa mới. Các dự án lớn sẽ không chỉ thúc đẩy tiêu dùng và mang lại lợi ích cho người dân mà còn tạo điều kiện để điều chỉnh cơ cấu và tăng cường tăng trưởng bền vững".

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.