|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyển sản xuất đến các nước lao động rẻ để 'né' thuế quan: Bước đường cùng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc

15:39 | 27/06/2019
Chia sẻ
Vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát thành cuộc chiến thuế quan vào năm ngoái, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, tuy nhiên, cuộc chơi này quá bấp bênh, nhất là khi cận kề cuộc gặp Trump - Tập tại G20.
1

Công nhân làm việc tại nhà máy của Yakeda Tactical Gear ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng thương mại bùng phát thành cuộc chiến thuế quan, giọt nước đã tràn ly

Bị áp lực từ cuộc khủng hoảng lao động và chi phí nhân công tăng tại Trung Quốc, ông Shu Ke'an (chủ công ty chuyên cung cấp áo chống đạn, túi súng trường và các thiết bị chiến đấu khác cho Mỹ) đã lần đầu tiên cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á vài năm trước nhưng không đi đến đâu.

Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát thành cuộc chiến thuế quan vào năm ngoái, giọt nước đã tràn ly.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan bổ sung đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9/2018, ông Shu (49 tuổi) đã quyết định bắt đầu sản xuất áo chống đạn cho khách hàng Mỹ tại Myanmar.

Kể từ đó, Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến sản phẩm do công ty ông Shu sản xuất tại Quảng Châu phải gánh mức thuế lên đến 42,6%.

Reuters đưa tin, khi hơn một nửa thu nhập của công ty phụ thuộc vào các đơn đặt hàng từ Mỹ, ông Shu rất hài lòng về quyết định chuyển đến Myanmar của mình.

Với việc Tổng thống Mỹ đe dọa áp thêm 25% thuế lên khoảng 300 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, không nhà xuất khẩu nào tại đất nước tỉ dân có thể "bình an vô sự".

Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một phần cơ sở sang các nước như Việt Nam và Campuchia, do chi phí vận hành tại quê nhà quá cao.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy xu hướng này, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất công nghệ thấp (low-tech) hoặc hàng hóa giá trị thấp (low-value).

Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc còn cố gắng né tránh viên đạn "chiến tranh thương mại" bằng cách lặng lẽ chuyển hàng hóa qua một nước thứ ba trước khi sang Mỹ.

Lựa chọn sáng suốt của một ông chủ doanh nghiệp

Sau 9 tháng, Yakeda Tactical Gear (công ty ông Shu quản lí) đang phụ thuộc vào nhà máy mới ở Myanmar để sản xuất các đơn đặt hàng mới cho khách hàng Mỹ. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2018.

220 công nhân tại nhà máy ban đầu ở Quảng Châu (thuộc trung tâm sản xuất của vùng Đồng bằng sông Châu Giang) hiện chủ yếu cung cấp sản phẩm cho khách hàng ở Trung Đông, châu phi và châu Âu.

Trong khi đó, nhà máy mới tại Yangon (Myanmar) đang chế biến nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc thành ba lô, túi đựng quần áo và túi súng trường cũng như súng lục. Tất cả thành phẩm này đều được dán nhãn "Made in Myamar" và phần lớn được xuất khẩu sang Mỹ.

"Nhà máy của chúng tôi đang nhận về rất nhiều đơn hàng. Sản phẩm được xuất sang Mỹ và châu Âu. Vì vậy, tôi tin rằng tương lai của công ty sẽ được cải thiện khi làm việc trong nhà máy mới", ông Marlar Cho, 36 tuổi và là giám sát viên tại nhà máy, cho biết.

Ông Jiang Aoxiong (đến từ miền đông Trung Quốc), giám đốc nhà máy trên, cho biết họ phải liên tục gấp rút sản xuất đơn hàng, mặc dù lực lượng lao động lên đến 600 người.

Mặc dù việc quốc tế chỉ trích cách xử lí cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya của Myanmar đã kìm hãm đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này, Myanmar vẫn trở thành điểm đến mà một số doanh nghiệp Trung Quốc chọn lựa, do lao động giá rẻ và dồi dào.

Myanmar xuất khẩu khoảng 5.000 sản phẩm miễn thuế đến Mỹ theo chương trình thương mại mà Mỹ dành cho các quốc gia đang phát triển. Dưới con mắt của doanh nghiệp, đây là một điểm cộng lớn.

Trong 12 tháng tính đến tháng 4/2019, các dự án đầu tư vào Myanmar của Trung Quốc (chỉ tính số lượng được phê duyệt) đã đạt 585 triệu USD, theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Đầu tư và Quản trị Doanh nghiệp Myanmar.

Dòng vốn từ Trung Quốc đã giúp mở rộng ngành công nghiệp Myanmar.

Vào tháng 5, lực lượng lao động Myanmar đã gia tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015, trong khi sản lượng tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, theo cuộc khảo sát PMI sản xuất mới nhất của Nikkei tại Myanmar.

Bài toán khó cho nhà xuất khẩu Trung Quốc: rời đi hay ở lại?

ACMEX Group, hãng sản xuất lốp xe có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, đã có một số kinh nghiệm khi chuyển sản xuất sang nước ngoài nhằm né tránh chiến tranh thương mại.

Khoảng hai năm trước, ACMEX Group bắt đầu sản xuất lốp xe ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia nhằm tận dụng chi phí nhân công và nguyên liệu thô giá rẻ cũng như "né" thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Với đợt tăng thuế quan mới nhất, công ty này có kế hoạch tăng tỉ lệ sản xuất lốp xe ở nước ngoài từ 20% lên 50% và xây dựng nhà máy của riêng họ thay vì gia công ngoài cho các nhà máy hiện tại, Chủ tịch Guan Zheng nói.

"Thời điểm đã chín muồi", ông nhận định. Đồng thời, Chủ tịch ACMEX Group còn cho biết cơ sở hạ tầng của chuỗi cung ứng đã được cải thiện.

Kinh nghiệm của các công ty như ACMEX và Yakeda Tactical Gear nhấn mạnh cách chiến tranh thương mại khiến nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tự vệ như thế nào. Loạt doanh nghiệp này cần đa dạng hóa cơ sở khách hàng, tăng doanh số bán hàng trong nước hoặc chuyển sản xuất sang nước thứ ba.

Việt Nam và Philippines cũng nằm ngoài tầm với của một số công ty Trung Quốc

Tuy nhiên, tất cả lựa chọn trên đòi hỏi họ phải có thời gian và tiền bạc, những thứ không phải nhà xuất khẩu nhỏ với biên lợi nhuận mỏng nào cũng có thể làm xoay xở được.

Ngay cả những địa điểm như Việt Nam và Philippines cũng đã phát triển vượt mức mà họ có thể với đến.

Mặc dù Trung Quốc đã khuyến khích việc di dời một số ngành công nghiệp nặng ra nước ngoài để giảm bớt tình trạng dư thừa công suất và hỗ trợ Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của họ, Bắc Kinh dường như ít ủng hộ động thái chuyển sản xuất ra nước ngoài trên diện rộng.

Ông Liang Ming, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế thuộc Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc (trong khuôn khổ Bộ Thương mại), đã bác bỏ ý kiến cho rằng các công ty Trung Quốc đang lũ lượt rời quê nhà.

"Chỉ một vài công ty đang thực sự di dời khỏi Trung Quốc. Nếu rời đi, họ có nguy cơ thua lỗ nếu Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại", ông Liang nói với báo giới hồi đầu tháng 6 này. Ngoài ra, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế còn cho biết việc quay trở lại Trung Quốc sẽ rất tốn kém.

Vì áp lực thương mại gia tăng, các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa trong nhiều tháng tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các nhà đầu tư cũng đang quan sát xem Bắc Kinh có thể cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu đến mức nào nhằm bù đắp cho thuế quan cao hơn từ phía Mỹ. Đồng nội tệ của Trung Quốc (vốn được quản lí rất chặt chẽ) đã mất giá khoảng 2% so với đồng USD kể từ khi căng thẳng thương mại leo thang hơn hồi đầu tháng 5.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào lúc 11h30 sáng ngày 29/6 tại hội nghị thượng đỉnh G20 để tái thiết mối quan hệ đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Mặc dù chi phí vận hành và lao động có thể rẻ hơn, một số doanh nghiệp Trung Quốc "từng trải" cho hay hoạt động di chuyển sang nước ngoài tồn tại một số nhược điểm.

Giám đốc Jiang đã phàn nàn về năng suất lao động ở Myanmar yếu kém hơn so với Trung Quốc, đường xá ngập lụt trong mùa mưa và mất điện từ 8 đến 9 tiếng mỗi ngày. "Nếu giữa Trung Quốc và Mỹ không xảy ra chiến tranh thương mại, chúng tôi chắc chắn sẽ không mở nhà máy tại Myanmar", ông nói.

Yên Khê