Chuyện 'mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng' của doanh nghiệp giữa mùa dịch COVID-19
Một chủ đề mà giới truyền thông quan tâm trong nhiều tuần qua là sức khỏe và sự an toàn của nhân viên làm việc trong các nhà kho, trung tâm phân phối của các nhà bán lẻ trong mùa dịch COVID-19.
Người lao động bất an trước nguy cơ lây bệnh
Báo The Guardian đưa tin một cuộc khảo sát do tổ chức GMB thực hiện cho thấy 98% trong số hơn 460 công nhân thừa nhận họ cảm thấy không an toàn tại kho của tập đoàn Asos ở thị trấn Barnsley, hạt South Yorkshire, Anh.
Vấn đề mà công nhân lo ngại nhất là họ không thể duy trì quy tắc khoảng cách hai mét, và thiếu thiết bị bảo vệ (chẳng hạn như thuốc khử trùng tay và găng tay). Những người khác khẳng định nhân viên phải làm việc ngay cả khi họ mắc bệnh, vì lương nghỉ ốm theo luật định không đủ sống.
Asos phủ nhận những khiếu nại của công nhân, đồng thời công bố thông cáo rằng họ đã thực thi những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho nhân viên. Họ cũng khẳng định các quan chức của Cục Sức khỏe Môi trường đã thị sát nhà kho của tập đoàn ở thị trấn Barnsley và hài lòng với thực tế ở đó.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, một trường hợp tương tự cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Hôm 31/3, ông Bill de Blasio, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ), thông báo ông đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền điều tra việc Amazon sa thải một nhân viên nhà kho vì người này tổ chức một cuộc đình công ở nhà kho của Amazon tại Staten Island thuộc thành phố New York, theo CNBC.
Chris Smalls, nhân viên nhà kho, đã tổ chức một cuộc đình công hôm 30/3 để kêu gọi ban lãnh đạo Amazon tăng cường các biện pháp bảo vệ công nhân làm việc tại kho trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 ở New York đang tăng vọt và số ca tử vong đã vượt 1.000.
Amazon tuyên bố họ sa thải Chris Smalls sau khi đã cảnh cáo anh nhiều lần về việc vi phạm hướng dẫn giữ khoảng cách xã hội. Ngược lại, Chris Smalls cáo buộc Amazon sa thải anh để trả đũa việc anh tổ chức đình công.
"Tôi đã ra lệnh Ủy ban Nhân quyền thành phố New York điều tra Amazon ngay lập tức. Nếu quả thực Amazon đã sa thải Chris Smalls vì anh yêu cầu tăng cường bảo vệ người lao động trước nguy cơ nhiễm bệnh, họ đã vi phạm luật nhân quyền và thành phố sẽ hành động ngay", ông Bill phát biểu.
Một người phát ngôn của Amazon nói với CNBC rằng người quản lí của Chris Smalls đã yêu cầu anh tự cách li và giữ khoảng cách xã hội sau khi anh tiếp xúc gần một đồng nghiệp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
"Mặc dù chúng tôi đã yêu cầu Chris Smalls ở nhà mà vẫn hưởng lương, anh ấy vẫn đến nhà kho hôm 30/3, làm tăng rủi ro cho các đồng nghiệp. Đó là hành vi mà Amazon không thể chấp nhận, nên chúng tôi đã kết thúc hợp đồng lao động vì đã cảnh báo anh ấy vi phạm an toàn lao động nhiều lần", người phát ngôn giải thích.
Ngày 3/03, Chris Small và nhiều công nhân kho tuần hành ngoài đường để kêu gọi Amazon chú ý bảo vệ người lao động trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Họ cũng yêu cầu Amazon đóng cửa nhà kho sau khi một công nhân có kết quả dương tính với virus vào tuần trước.
Letitia James, tổng chưởng lí bang New York, phê phán quyết định sa thải Chris Smalls, gọi đó là hành động đáng xấu hổ. Bà tuyên bố cơ quan công tố bang đang xem xét các hành động pháp lí đối với Amazon, đồng thời kêu gọi Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia điều tra vụ việc.
Tổn thất về hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp
Dù tuyên bố của Asos phản ánh đúng thực tế hay không, đây vẫn là một ví dụ về việc COVID-19 phơi bày khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp. Trên các mạng xã hội, người dân thảo luận về những nhà bán lẻ mà họ gọi là "doanh nghiệp tử tế". Theo họ, doanh nghiệp tử tế sẽ trả lương khi người lao động nghỉ ốm, còn doanh nghiệp tồi tệ sẵn sàng làm ngơ nếu các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động khiến lợi nhuận giảm.
Câu chuyện của Amazon và Asos cho thấy, ngoài những tác động tài chính (tích cực hoặc tiêu cực), một hậu quả dài hạn mà COVID-19 để lại có thể là tổn thất về danh tiếng, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng tẩy chay, xa lánh những nhà bán lẻ "vô đạo đức" sau khi bệnh dịch chấm dứt.
Trong khi một số tập đoàn bán lẻ đối mặt với làn sóng chỉ trích vì phản ứng tiêu cực của họ đối với đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp khác lại nhận lời khen ngợi vì nỗ lực giúp cộng đồng.
Ví dụ, Morrisons và M&S đều tặng những hộp thức ăn miễn phí cho những người cơ nhỡ. Morrisons còn cam kết chi 10 triệu bảng để cung cấp thực phẩm cho các trung tâm phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo. Waitrose đã quyên góp 75.000 bảng cho những tổ chức từ thiện đang ứng phó COVID-19.