Giới bán lẻ Trung Quốc đối mặt sự thật phũ phàng: Họ bán hàng trở lại, nhưng khách chẳng đến
Nikkei Asian Review dẫn lời một nhân viên tại cửa hàng Walmart ở ngoại ô Thượng Hải hồi cuối tháng 3 cho hay, lượng khách hàng ghé thăm "chưa đến một nửa so với mức thông thường".
Các kệ hàng đầy ắp rau củ và thịt tươi ngon, song rất ít khách hàng đến vào giờ tan tầm, khoảng thời gian mà trước đây thường khá nhộn nhịp. Ngay cả với dịch vụ giao hàng trực tuyến, "doanh số không tăng đáng kể", nguồn tin nói.
Vài tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc đã dốc sức đẩy mạnh quá trình phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh ở thị trường tỉ dân sau nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Các hãng bán lẻ nhanh chóng hoạt động trở lại tại Thượng Hải, Quảng Đông và Tứ Xuyên. Tại tâm dịch Vũ Hán, Aeon Mall - một công ty con của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon, sẽ mở cửa toàn bộ khu vực trong các trung tâm mua sắm ở thành phố.
Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính khoảng 80% nhà hàng và hơn 90% trung tâm thương mại sẽ hoạt động trở lại trên toàn quốc.
Người tiêu dùng còn bất an, ngại ra đường mua sắm
Tuy nhiên, người tiêu dùng không cảm thấy an toàn khi ra ngoài mua sắm như thường lệ. Nhà bán lẻ thiết bị điện tử Suning.com xác nhận một số cửa hàng của họ chỉ thu hút khoảng 50% lượng khách hàng so với thông thường. Ở các phân khúc mua sắm cao cấp, một số thương hiệu xa xỉ chưa hoạt động trở lại.
"Sau giờ làm, tôi về thẳng nhà và không ăn uống bên ngoài", một cư dân Thượng Hải 32 tuổi kể. Dù vậy, người này vẫn tiếp tục đặt mua hàng tạp hóa trên mạng.
Mất việc hoặc sợ bị sa thải, nhiều người đang "trong chế độ tiết kiệm tiền", một chuyên gia ngành bán lẻ cho hay.
"Ngay cả khi người tiêu dùng ghé qua cửa hàng, họ sẽ chẳng mua trừ khi giảm giá", nhân viên tại cửa hàng tạp hóa Carrefour (Thượng Hải) nói.
Phiếu giảm giá (voucher) mà chính phủ Trung Quốc phát hành rõ ràng không mang lại hiệu quả như dự định ban đầu.
Hi vọng mức tiêu dùng của người dân phục hồi đang giảm dần khi làn sóng trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar và nhiều cơ sở khác chỉ vừa mới tái hoạt động đã phải đóng cửa trở lại.
Các địa điểm hút khách du lịch ở Thượng Hải như tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông và thủy cung vừa mở cửa lại vào giữa tháng 3 nhưng đã phải tiếp tục đóng cửa vào ngày 30/3 theo yêu cầu của chính quyền địa phương trước lo ngại dịch COVID-19 có thể bùng phát lần nữa.
Khoảng 60% chủ sở hữu trung tâm thương mại lớn nhận thấy doanh số quí I năm nay đã giảm khoảng 30 -70% so với cùng kì năm ngoái, đồng thời không công ty nào kì vọng doanh số sẽ phục hồi, theo một khảo sát của Hiệp hội Nhượng quyền và Chuỗi cửa hàng Trung Quốc.
Ngược lại, gần 50% hãng bán lẻ trực tuyến nhận thấy doanh số đang ổn định hoặc tăng trưởng tốt.
Các cơ sở bán lẻ truyền thống đã phải hoạt động trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt kể từ trước khi COVID-19 bùng phát.
Sau dịch SARS năm 2003, lĩnh vực mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc bùng nổ, các tập đoàn lớn như Alibaba Group Holding và Tencent Holdings nhanh chóng vươn lên, mua lại hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu Euromonitor, tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ trung tâm thương mại ở Trung Quốc đã giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2019. Nikkei nhận định các nhà bán lẻ truyền thống chắc chắn sẽ hứng đòn đau hơn từ đại dịch COVID-19.