|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người tiêu dùng Trung Quốc lắc đầu, thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đóng băng

07:30 | 03/04/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã làm đóng băng thị trường vàng Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến nhu cầu đúng ngay tại thời điểm mà nhà đầu tư trên khắp thế giới nháo nhào tìm mua vàng.

Người tiêu dùng Trung Quốc không "thèm" mua vàng

Trung Quốc là thị trường mua vàng thỏi, tiền xu và đồ trang sức lớn nhất thế giới, tuy nhiên lệnh phong tỏa trên qui mô toàn quốc nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch đã làm cho người dân ngại ra đường mua vàng.

Theo Bloomberg, COVID-19 khiến hoạt động tiêu thụ vàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải mất một chặng đường dài để phục hồi, ngay cả khi Bắc Kinh đang dốc sức thu hút người dân ra ngoài mua sắm.

Người tiêu dùng Trung Quốc lắc đầu, thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đóng băng - Ảnh 1.

Một chợ kinh doanh vàng, bạc, trang sức tại Macau. (Ảnh: Getty Images)

Thị trường vàng Trung Quốc đi xuống có thể tác động xấu đến giá vàng. Tháng trước, giá vàng đã chạm mức đỉnh 7 năm là 1.700 USD/ounce, tuy nhiên giá của kim loại quí này đang giảm dần.

Vàng còn phải đối mặt với áp lực khi mức tiêu thụ vàng bán lẻ tại Ấn Độ, châu Âu và Mỹ chững lại cũng như do quyết định ngừng dự trữ vàng của ngân hàng trung ương Nga.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới vào năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng nhu cầu vàng trên toàn cầu, đạt 4.356 tấn.

"Nhu cầu mua vàng của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phục hồi rất chậm", ông Zhang Yongtao - Giám đốc điều hành Hiệp hội Vàng Trung Quốc, cho hay. "Ngay cả sau khi các doanh nghiệp chế biến vàng hoạt động trở lại, vấn đề lớn nhất là người dân không có nhu cầu đặt hàng".

Doanh số bán lẻ vàng, bạc và trang sức hai tháng đầu năm nay đã lao dốc 41% so với cùng kì năm ngoái. Ông Zhang ước tính khối lượng vàng bán ra trong quí I năm nay sẽ giảm ít nhất 50%, tình hình cả năm cũng không suôn sẻ hơn.

"Người tiêu dùng sẽ không quay lại mua vàng trang sức cho đến khi đại dịch chấm dứt, và chính phủ Trung Quốc cũng không sẵn lòng mua vàng dự trữ vào thời điểm này", vị giám đốc chia sẻ.

Không khí ảm đảm tại Trung Quốc tương phản rõ nét với hoạt động kinh doanh vàng trên thị trường toàn cầu tuần trước. Các nhà tinh chế vàng và ngành hàng không tạm ngừng hoạt động khiến hợp đồng tương lai vàng tại New York đóng băng, vì nhà đầu tư ra sức thu mua loại tài sản an toàn này.

Ngoài ra, việc thị trường tiêu thụ vàng tại Trung Quốc chững lại còn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tỉ dân đang dần mở cửa trở lại và số ca nhiễm COVID-19 mới giảm đáng kể.

Vào cuối tuần trước, 90% nền kinh tế Trung Quốc đã hoạt động trở lại, theo Bloomberg. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn do dự trong chi tiêu sau nhiều tuần ở yên trong nhà để tránh nhiễm bệnh cũng như do áp lực tài chính đè nặng khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.

Giá vàng vẫn có thể tăng cao

Các nhà bán lẻ vàng là đối tượng cảm nhận nhiều sức ép nhất. Vào tháng 3, Luk Fook Holdings International đã cảnh báo lợi nhuận sụt giảm sau khi doanh số tại Trung Quốc đại lục giảm 37% trong hai tháng đầu năm.

Người tiêu dùng Trung Quốc lắc đầu, thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đóng băng - Ảnh 2.

"Phần lớn các cửa hàng của công ty tại Trung Quốc đại lục đều đã mở cửa trở lại vào tháng 3, lượng khách đến mua vàng cũng cải thiện phần nào. Tuy nhiên, khách hàng ghé thăm các cửa hàng ở Hong Kong và Macau còn khá thưa thớt", Phó giám đốc điều hành Nancy Wong nói.

"Chúng tôi dự đoán cần phải mất một lúc trước khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại", bà Wong cho hay.

Mức phí bảo hiểm đối với vàng (gold premium) tại Trung Quốc "đã giảm xuống mức âm, là điều chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008", Citigroup nhận định. Ngân hàng này cho rằng mức tiêu thụ đồ trang sức bằng vàng có thể đạt mức đáy một thập kỉ hoặc hơn.

Ông Haywood Cheung - Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Vàng Bạc Trung Quốc, cho hay thị trường vẫn còn nhiều lo ngại về những hạn chế xoay quanh nguồn cung vàng thỏi.

Sản lượng vàng tại các hãng tinh chế giảm sẽ giúp kéo giá vàng đi lên, ông Cheung nói. "Ngay cả khi tình hình dịch bệnh có cải thiện, chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều ngân hàng trung ương hạ lãi suất và nới lỏng chính sách mạnh tay hơn cũng như thị trường tài chính suy yếu hơn, các yếu tố đó đều sẽ hỗ trợ cho giá vàng".

Yên Khê