|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia chỉ ra hai điểm sáng nhưng cũng là rủi ro của xuất khẩu năm 2023

15:24 | 26/12/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia Phạm Thế Anh hai điểm sáng của xuất khẩu năm nay nhưng cũng cho thấy rủi ro rất lớn đó là xuất siêu lập kỷ lục và xuất khẩu nông sản tăng đột biến khi Trung Quốc mở cửa thị trường.

Xuất khẩu bất ngờ lao dốc

Xuất khẩu là một trong ba động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2023 xuất khẩu bất ngờ lao dốc vào đầu năm sau giai đoạn tăng trưởng liên tiếp kéo dài hàng thập kỷ.

Trong quý I, xuất khẩu giảm tới 11,9% trong khi nhập khẩu giảm 14,7%. Những tháng tiếp theo, xuất nhập khẩu dần dần phục hồi, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau giảm thấp hơn quý trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ước đạt 322,5 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng âm lớn nhất bao gồm hóa chất giảm 24%, thủy sản giảm 19%, gỗ giảm 18%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn ghi nhận những điểm sáng trong tăng trưởng từ những đóng góp ấn tượng bởi các mặt hàng nông nghiệp bao gồm xuất khẩu gạo tăng 36%, hạt điều tăng 17%, rau quả tăng 74%.

Về thị trường xuất khẩu 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang EU ước đạt 39,9 tỷ USD giảm 8,1%, xuất khẩu sang Nhật Bản 21,2 tỷ USD giảm 4,3%.

Từ chiều ngược lại, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,6 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 11 tháng năm 2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 10 tỷ USD chiếm 43,4% tổng kim ngạch là điện tử, máy tính linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác và vải với mức tăng trưởng lần lượt là 4,1%, - 9,8% và - 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng đầu năm nay cũng lập kỷ lục khi thặng dư 25,86 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với con số 10,32 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước. Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Hai điểm sáng cũng là rủi ro của xuất nhập khẩu

PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Nhận định về xuất nhập khẩu năm 2023, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng xuất khẩu đang có sự cải thiện nhưng không nhiều. Những tháng giữa năm xuất khẩu sụt giảm rất lớn nhưng đã tích cực hơn vào cuối năm.

Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Thế Anh đánh giá đây chỉ là sự phục hồi tạm thời, do tính thời vụ để phục vụ mùa mua sắm cuối năm còn nhìn chung sức mua của thế giới còn tiếp tục khó khăn khi mà nền lãi suất trên thế giới còn tiếp tục duy trì ở mức cao.

"Chúng ta cũng không thể kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng đột biến trong thời gian tới khi mà kinh tế thế giới còn khó khăn", ông nói và chỉ ra hai vấn đề là điểm sáng của xuất khẩu năm nay nhưng cũng cho thấy rủi ro rất lớn đó là xuất siêu lập kỷ lục và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng đột biến.

 Xuất siêu lập kỷ lục lớn.

Thứ nhất, nhìn vào khu vực xuất nhập khẩu có thể thấy rất rõ điểm sáng là xuất siêu kỷ lục, tính đến hết tháng 11 đã lên tới hơn 25 tỷ USD và dự báo sẽ đạt khoảng gần 30 tỷ USD trong năm nay. Xuất siêu lớn sẽ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế tuy nhiên khác với các năm trước, năm nay xuất siêu lớn là do tốc độ sụt giảm của nhập khẩu nhanh hơn cả xuất khẩu.

Điều này phản ánh sức sản xuất đang yếu do nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sụt giảm nhanh hơn so với xuất khẩu. Như vậy, mặc dù xuất siêu lớn nhưng nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, khu vực sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ảm đạm bởi thông thường giai đoạn này các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng và nhập khẩu nguyên liệu cho năm tới.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu giảm sâu như vậy cho thấy tình hình chưa mấy sáng sủa và khó có thể đột phá trong thời gian ngắn, chuyên gia nhận định.

Điểm sáng thứ hai là việc các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng, các mặt hàng như: Sầu riêng, gạo, cà phê năm nay tăng rất mạnh.Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng là do Việt Nam đã ký nhiều Nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng có sản lượng xuất khẩu cao nhất, chiếm 40% giá trị xuất khẩu ngành rau quả.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc mà thị trường này có rủi ro nhất định. Xuất khẩu với Trung Quốc có thể đảo chiều bất cứ lúc nào đây cũng là rủi ro lớn đối với Việt Nam nếu quá phụ thuộc vào thị trường này, chuyên gia Thế Anh cho hay.

Xuất khẩu 2024 sẽ tích cực hơn

Dự báo thương mại năm 2024. (Nguồn: TCTK, MBS Research).

Đối với năm 2024, các chuyên gia từ Chứng khoán MB (MBS) cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng xuất khẩu sẽ tích cực hơn trong năm 2024 nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất, theo WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, cao hơn mức 0,8% trong năm 2023 chủ yếu nhờ hàng tồn kho thế giới đã tạo đáy cũng như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể.

Thứ hai, nhu cầu điện thoại đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý II. Mặc dù sản lượng điện thoại toàn cầu quý III vẫn giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước song đã tăng 11,8% so với quý II chủ yếu do cầu tiêu dùng Trung Quốc đã phục hồi tích cực.

Thứ ba, nhu cầu linh kiện điện tử cũng dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất chip và gia tăng nhu cầu ứng dụng công nghệ AI. Theo báo cáo từ SEMI và TechInsights, doanh số hàng điện tử (GPUs, CPUs, IC,...) toàn cầu, đã tăng 7% trong quý III, và dự kiến sẽ tăng mạnh 22% trong quý IV.

 Sản lượng điện thoại thông minh đã có xu hướng tăng trưởng trở lại. (Nguồn:MBS Research).

Đối với thị trường Mỹ, các chuyên gia MBS đánh giá mức độ phục hồi sẽ chậm hơn do của chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như hiệu ứng từ việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ phát huy tác dụng từ cuối năm 2024.

Đối với thị trường Trung Quốc, như đề cập ở trên, MBS kỳ vọng thị trường xuất khẩu vào quốc gia sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2024 nhờ tiêu dùng tăng trở lại.

Bên cạnh nỗ lực khai thác các thị trường lớn và truyền thống, việc mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới là rất quan trọng, nhất là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)... để đa dạng hóa thị trường, qua đó góp phần hóa giải những khó khăn và phục hồi xuất khẩu trong ngắn hạn.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công Fulbright cũng đánh giá bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc. Trong trường hợp tích cực, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang các thị trường này.

“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Theo ông, tồn kho ở các thị trường giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ, các hãng tàu cũng có tín hiệu lạc quan hơn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Hạ An