|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyến công du nước ngoài của Chủ tịch Tập Cận Bình có báo hiệu hồi kết cho Zero COVID?

19:10 | 07/09/2022
Chia sẻ
Những chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể báo hiệu sự thay đổi dần trong chính sách Zero COVID.

Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình là trong số rất ít lãnh đạo, thậm chí có thể là duy nhất, ngừng các chuyến công du nước ngoài trong hai năm qua do ảnh hưởng từ dịch COVID.

Bởi vậy, vào tháng 8, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo rằng ông Tập và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali tháng 11 tới đây, các nhà quan sát đã chú ý đến những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể thay đổi chính sách Zero COVID.

Những hy vọng này dường như mạnh lên khi vào ngày 5/9, chính phủ Kazakhstan cho biết ông Tập sẽ tới Trung Á vào tuần sau. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập diễn ra chỉ vài tuần trước khi Đại hội Đảng Trung Quốc bắt đầu vào giữa tháng 10.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức, Chủ tịch Tập nhiều khả năng cũng sẽ tới Uzbekistan để dự hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tuần sau.

Ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc dự kiến cũng sẽ công du nước ngoài trong tuần này. Ông sẽ là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên công cán nước ngoài kể từ đại dịch COVID bùng phát.

Số ca nhiễm COVID đã giảm trong những tháng gần đây, nhưng vẫn xảy ra những đợt bùng phát cục bộ.

Những bước đầu tiên

Mặc dù hoạt động ngoại giao đang được khởi động lại, các nhà phân tích cho biết triển vọng về việc chính sách Zero COVID đột ngột thay đổi, ngay cả sau Đại hội Đảng, sẽ khó xảy ra. Thay vào đó, các hạn chế sẽ dần được nới lỏng.

Trong hơn hai năm qua, Trung Quốc đã tuân theo chỉ thị “cảnh giác trước các ca bệnh nhập cảnh và ngăn ngừa sự lây lan của virus trong nước”. Do vậy, khách du lịch tới Trung Quốc phải trải qua một thời gian cách ly. Nếu muốn tới Bắc Kinh, trước hết những du khách này cần phải cách ly ở một thành phố khác.

Đa số người dân Trung Quốc chỉ có thể đi ra nước ngoài nhằm mục đích học tập, kinh doanh hoặc thăm người thân. Việc du khách tới Trung Quốc và người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài đều không được khuyến khích.

Tương tự như vậy, có rất ít quan chức cao cấp đã công du nước ngoài trong hai năm qua, ngoại trừ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Chủ tịch Tập đã không tới bất cứ quốc gia nào khác kể từ chuyến đi Myanmar vào tháng 1/2020. Hồi tháng 7/2022, ông Tập chỉ có chuyến thăm ngắn ngủi tới Hong Kong.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại trong quý II/2022.

Việc ngừng hoạt động ngoại giao trực tiếp ảnh hưởng rất nghiêm trọng, bởi Trung Quốc đóng vai trò vô cùng lớn trên trường quốc tế cũng như những vấn đề địa chính trị phức tạp mà nước này đang phải đương đầu. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu về sự thay đổi trong những tháng gần đây.

Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn đã dẫn đầu một đoàn ngoại giao tới Hàn Quốc vào tháng 5 để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Bộ trưởng Môi trường Hoàng Nhuận Thu cũng đã tới Mỹ vào tháng 6.

Vào ngày 4/9, kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc cho biết Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư sẽ dẫn đầu đoàn ngoại giao 66 người tới Nga, Mông Cổ, Nepal và Hàn Quốc. 

Cho tới nay, chỉ duy nhất chuyến thăm của ông Lật được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin. Chưa có xác nhận chính thức từ phía Bắc Kinh về việc liệu ông Tập có công du hay không.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cũng chưa đề cập đến việc liệu các chuyến đi có đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID hay không. Tuy nhiên theo ông Zhang Zuofeng, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, những thông báo này mang đến những tín hiệu tích cực. 

“[Những thông báo này] là dấu hiệu tốt cho việc Trung Quốc có thể đang đi những bước đầu tiên nhằm thay đổi chính sách COVID”, ông nói.

Ông Huang Yanzhong, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế cho rằng việc ông Tập và các quan chức cao cấp công du đã gửi tín hiệu rằng các nhà lãnh đạo cao cấp đã tự tin hơn về việc đi ra nước ngoài.

“[Những chuyến công du sắp tới] có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy ông Tập tự tin hơn trong khi đi tới các nước khác. Động thái này có thể liên quan tới việc Chủ tịch Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ”, ông nói.

Quá trình lâu dài

Tuy nhiên, ông Huang nhận định rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách Zero COVID, đặc biệt khi liên tục có các đợt phong tỏa trên toàn quốc.

“Các biện pháp phong tỏa đột ngột được sử dụng thường xuyên hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo một cách nào đó, [Zero COVID] đang được sử dụng thường xuyên và mạnh tay hơn”, ông Huang nói.

Mặc dù phong tỏa một phần thành phố Thẩm Quyến với 12 triệu dân đã được nới lỏng trong vài ngày qua, thì tại Thành Đô với 21 triệu dân, các hạn chế lại được tăng cường nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Người dân Thành Đô nhận thực phẩm trong khu giãn cách hôm 2/9. (Ảnh: Reuters).

Ông Huang cho biết Trung Quốc vẫn coi COVID như một căn bệnh nghiêm trọng. Ông nhắc đến những lần Chủ tịch Tập gửi điện thăm hỏi Tổng thống Joe Biden vào tháng 7 và Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 8 khi cả hai bị nhiễm COVID .

“Theo như tôi được biết, không có nhà lãnh đạo nào có động thái tương tự”, ông nói. “[Những thông tin về các chuyến công du] không đủ rõ ràng để khẳng định sự thay đổi về chính sách Zero COVID nếu bạn xem xét cách Chủ tịch Tập đang nhìn nhận dịch bệnh này”.

Mặc dù vẫn kiên định với xét nghiệm PCR và phong tỏa, Bắc Kinh đã giảm thời gian cách lý đối với khách du lịch và cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại học tập.

Vào cuối tháng 6, Trung Quốc đã giảm một nửa thời gian cách ly với người nhập cảnh xuống chỉ còn 7 ngày tại cơ sở y tế và ba ngày giám sát. Quốc gia tỷ dân cũng đơn giản hóa quy trình khai báo, xét nghiệm PCR vào cuối tháng 8.

Nhiều người ở đại lục đang háo hức chờ xem liệu Bắc Kinh có cắt giảm thời gian cách ly với khách du lịch xuống chỉ còn ba ngày hay không. Ngoài ra, nhiều người cũng đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có nới lỏng điều kiện xuất cảnh không khi đã có khoảng 80 quốc gia đơn giản hóa quy định nhập cảnh.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết những thay đổi cho đến nay vẫn chỉ mang tính chất nhỏ giọt.

“Những động thái gần đây gửi đi tín hiệu rằng chính sách COVID của Trung Quốc sẽ dần được nới lỏng. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất bao lâu vẫn là một câu hỏi lớn”, ông Chen Xi, Phó Giáo sư kinh tế và chính sách y tế tại Trường Y tế Công cộng Yale nói.

Ông Zhang cho rằng Trung Quốc sẽ có sự chuẩn bị để từ bỏ Zero COVID. “Nếu Trung Quốc muốn chuyển sang sống chung sống với COVID mà không có các giải pháp như vaccine, thuốc điều trị và tăng cường năng lực của cơ các cơ sở y tế thì số ca bệnh và số người chết có thể sẽ tăng mạnh”.

Gần đây, Trung Quốc đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID của Livzon và vắc xin dạng xịt của CanSino để tăng cường miễn dịch.

Thử nghiệm vắc xin dạng hít. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng loại vắc xin này. (Ảnh: CCTV).

Ông Chen cho biết Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ từ bỏ Zero COVID theo từng bước: “Do những rủi ro mang tính hệ thống được tích lũy trong toàn xã hội vì Zero COVID, khi phải đối phó với những biến thể ít rủi ro hơn, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ từng bước thay đổi chính sách”.

“Bởi vậy, theo tôi thì nhiều khả năng Đại hội Đảng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình chuyển đổi lớn, chưa ngừng hoàn toàn các chính sách hiện hành”, ông Huang nói.

Minh Quang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.