|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chương trình cho vay 600 tỉ USD của Fed: Tưởng bom nổ lại hóa bom xịt

09:18 | 07/06/2020
Chia sẻ
Dù được kì vọng là chiếc phao cứu sinh cho hàng chục nghìn doanh nghiệp qui mô vừa, Chương trình Cho vay Phố Main trị giá gần 600 tỉ USD của Fed đang gặp phải vô vàn trở ngại dù còn chưa bắt đầu được triển khai.
Chương trình Cho vay Phố Main của Fed: Được kì vọng là 'vụ nổ lớn' nhưng cuối cùng lại là 'bóng xịt' - Ảnh 1.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Politico)

Điều kiện đi vay phức tạp, doanh nghiệp than thở

Một số doanh nghiệp có khả năng vay vốn đang phàn nàn rằng Chương trình Cho vay Phố Main dành cho các công ty qui mô vừa bị thiệt hại trong đại dịch đang áp dụng lãi suất quá cao cũng như yêu cầu họ trả nợ quá nhanh.

Theo chương trình trên (dự kiến được triển khai trong tuần đầu tiên của tháng 6), các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với một số hạn chế về mua lại cổ phiếu, chi trả cổ tức và trả lương cho đội ngũ giám đốc cấp cao.

Ngoài ra, việc chương trình mất đến hai tháng để triển khai cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án "chữa cháy" thay thế. Thực tế này gây ra tình trạng chia rẽ giữa các ngành công nghiệp tại Mỹ.

Trong khi các hãng chế tạo còn trông chờ được tiếp cận khoản vay của Fed thì các hãng bán lẻ lại muốn nhiều hơn vì hàng loạt công ty đang phải đối mặt với khả năng cắt giảm nhân sự mạnh tay hơn hoặc thậm chí là phá sản.

Ông David French - Phó Chủ tịch cấp cao tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cho hay: "Cảm nhận chung giữa các thành viên thuộc liên đoàn là chương trình cho vay của Fed đến quá trễ và không đủ lực".

Các cảnh báo về Chương trình Cho vay Phố Main cũng không khác mấy so với của Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) - một kế hoạch giải cứu dành cho các công ty có dưới 500 nhân viên. Chương trình PPP đã gặp không ít vấn đề sau khi bắt đầu triển khai một cách hỗn loạn vào tháng 4.

Tình hình hiện tại làm dấy lên lo ngại tương tự rằng liệu hỗ trợ của chính phủ liên bang có thể đến tay các doanh nghiệp đang cần giúp đỡ nhất hay không.

Chương trình Cho vay Phố Main là một thành tố quan trọng trong gói cứu trợ kinh tế của chính phủ liên bang vì nó có thể giúp đỡ các công ty quá lớn để nhận những khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ nhưng không đủ qui mô để nhận được cứu trợ cho những ông lớn, chẳng hạn như các hãng hàng không.

Các doanh nghiệp có ít hơn 15.000 nhân viên hoặc doanh thu hàng năm dưới 5 tỉ USD - đối tượng của Chương trình Cho vay Phố Main có thể nhận được khoản vay kéo dài 4 năm mà không cần phải thanh toán trong năm đầu tiên.

Tuy nhiên, những nghi ngại ban đầu về chương trình này có thể buộc Fed và Bộ Tài chính Mỹ phải cải tổ lại kế hoạch để giúp doanh nghiệp không phá sản và dốc sức để giúp nhà tuyển dụng vượt qua đại dịch, tờ Polilico nhận định.

Ngân hàng ngại cho vay

Không chỉ doanh nghiệp đi vay cảm thấy bất an mà các ngân hàng cũng tỏ ra miễn cưỡng.

Theo Politico, các ngân hàng có thể kiếm tiền trong khi đẩy phần lớn rủi ro vỡ nợ cho Fed vì NHTW Mỹ sẽ mua đến 95% giá trị từng khoản vay. Dù vậy, hệ thống ngân hàng thương mại tại Mỹ vẫn do dự khi cấp tín dụng cho các công ty đang trong tình cảnh khốn đốn và không thể xoay sở nguồn vốn ở nơi khác.

Một đại diện ngân hàng mô tả chương trình cho vay của Fed là "quả bóng xịt" thay vì một "vụ nổ lớn".

Triển khai và điều chỉnh Chương trình Cho vay Phố Main sẽ là một trong các nhiệm vụ khó khăn nhất của Fed trong đại dịch, sau khi NHTW này dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jerome Powell tung ra một loạt các gói cứu trợ và cho vay khẩn cấp để ngăn chặn kinh tế Mỹ lao dốc nghiêm trọng hơn.

"Chủ tịch Powell đã làm rõ rằng Fed không toàn năng về mặt kinh tế", ông Isaac Boltansky - Giám đốc bộ phận nghiên cứu chính sách của Compass Point Research & Trading, cho hay. "Chương trình Cho vay Phố Main sẽ cho thấy rõ những hạn chế của Fed".

Bộ Tài chính không muốn tổn thất vượt quá 75 tỉ USD

Fed công bố chi tiết về chương trình cho vay trên vào tháng 4 sau khi Quốc hội dành 500 tỉ USD để cứu trợ doanh nghiệp qui mô vừa, trong đó 75 tỉ USD sẽ được Bộ Tài chính dùng để bù đắp tổn thất (nếu có).

Chừng nào tổn thất không vượt qua con số 75 tỉ USD, Fed còn sẵn sàng cho vay đến 600 tỉ USD tiền cứu trợ mới in xong.

Các công ty nhận được khoản vay phải "nỗ lực về mặt thương mại sao cho hợp lí" để không sa thải nhân viên, tuy nhiên khác với chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, các công ty này không phải chính thức cam kết sẽ sử dụng vốn vay để trả lương cho nhân viên.

Quyết định trên được đưa ra theo giả định là các công ty này có thể sử dụng tiền cho mục đích khác nhưng trọng tâm là thanh toán khoản vay về sau. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren đã chỉ trích quan điểm này.

Trước đó, Fed và Bộ Tài chính đã mở rộng điều kiện tham gia chương trình sau khi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp phản hồi. Hiện tại, có khoảng 30.000 doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí về số lượng nhân viên và doanh thu để nhận khoản vay.

Tuần trước, Chủ tịch Fed cho hay chương trình có thể được nới rộng, tối thiểu là 500.000 USD cho các khoản vay mới và tối đa là 200 triệu USD để mở rộng các khoản vay hiện có.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiềm năng cho gói vay và ngân hàng cho biết các công ty sẽ không vội tận dụng Chương trình Cho vay Phố Main với cơ cấu như hiện tại.

Hạ nghị sĩ French Hill cho biết ông nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp qui mô vừa báo rằng chương trình của Fed không mang lại hiệu quả. Các điều kiện của khoản vay không phù hợp với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất, chẳng hạn như khách sạn và chuỗi nhà hàng lớn.

Ông Mark Warner, thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, đã kêu gọi Fed và Bộ Tài chính nới lỏng các điều khoản, bao gồm cả lãi suất. Ông cũng cho rằng Bộ Tài chính nên sẵn lòng chịu thêm tổn thất.

"Tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin hiểu điều đó nhưng ông ấy muốn chắc chắn rằng Quốc hội gật đầu đồng ý cho bộ hành động", ông Warner nói.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính chia sẻ với Politico rằng mức độ chịu lỗ của chính phủ với Chương trình Cho vay Phố Main phụ thuộc vào tình hình kinh tế chuyển biến ra sao. Theo các kịch bản nghiêm trọng nhất, Bộ Tài chính có thể mất phần lớn hoặc toàn bộ số tiền 75 tỉ USD đã đóng góp cho chương trình.

Các ngân hàng cho vay đã cố gắng hạ thấp kì vọng của dư luận. Mặc dù những ngân hàng này chỉ phải gánh một phần nhỏ của gói cho vay trên sổ sách, họ vẫn cảnh báo rằng các khoản vay có nguy cơ vỡ nợ, khiến việc bảo lãnh trở thành một trở ngại lớn.

Bên cạnh đó, hiện tại cũng chỉ có một nhóm nhỏ người đi vay tiềm năng. Các ngân hàng lại lo sợ sẽ bị chỉ trích nếu không phê duyệt đủ số lượng khoản vay cần thiết.

"Nếu cứ như hiện tại thì chúng tôi nghĩ giá trị khoản vay được bảo lãnh không lớn và cũng chẳng có bao nhiêu tiền chảy vào nền kinh tế Mỹ", bà Lauren Anderson - Phó Chủ tịch cấp cao tại Viện Chính sách Ngân hàng (tổ chức đại diện cho các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ), cho hay.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.