|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hiểm họa từ việc Fed vung tiền giải cứu các công ty làm ăn mạo hiểm

15:59 | 28/05/2020
Chia sẻ
Fed đã cứu nguy thành công cho thị trường tài chính Mỹ, nhưng nếu các doanh nghiệp lại một lần nữa chất đầy bảng cân đối kế toán bằng những trái phiếu rủi ro thì Fed có thể làm gì?
Fed vung tiền giải cứu các công ty đầu tư dại dột có gây hại cho tương lai? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tham dự một hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Bloomberg)

Doanh nghiệp đầu tư dại dột

Khi đại dịch COVID-19 lan đến nước Mỹ, các nhà giao dịch trái phiếu đã biết chính xác cần phải bán gì trước tiên.

Trong vòng 4 tuần rưỡi từ ngày 19/2 đến 23/3, mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng BB tăng vọt từ 1,9 điểm % lên 8,65 điểm %.

Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang yêu cầu mức chênh lệch cao hơn để chấp nhận thêm rủi ro. Chưa từng thấy trong hơn một thập kỉ qua, mức chênh lệch lợi suất này khiến thị trường trái phiếu mới đóng băng trước mắt hầu hết các doanh nghiệp, ngoại trừ những con nợ liều lĩnh nhất trong thời khắc then chốt.

Đối với các nhà đầu tư trái phiếu kì cựu, chuyện không chỉ đơn giản xoay quanh thị trường lúc đó mà điều họ thực sự lo sợ đã gần kề.

Trong nhiều năm qua, các nhà đầu tư này liên tục cảnh báo rằng các công ty lớn quá háo hức chơi trò bập bênh với trái phiếu có nguy cơ bị hạ bậc xuống trái phiếu rác trong khi vẫn cố bám lấy xếp hạng BBB. (Trái phiếu được Standard & Poor's xếp hạng từ BBB trở lên được coi là trái phiếu hạng đầu tư, dưới BBB là trái phiếu đầu cơ hay còn gọi là trái phiếu "rác").

AT&T, Boeing và General Electric là những ví dụ nổi bật nhất trong bong bóng nợ doanh nghiệp hơn 3.000 tỉ USD có nguy cơ rơi xuống xếp hạng "rác" khi có biến cố xảy ra. 

Dường như biến cố mà các nhà đầu tư kì cựu lo sợ đã đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Liệu Fed có sai khi vung tiền giải cứu?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo ra một cơn địa chấn riêng: NHTW Mỹ tuyên bố sẽ chống lưng cho các doanh nghiệp Mỹ. Các chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỉ USD của Fed nghiễm nhiên có thể phớt lờ các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Nếu một công ty được xếp hạng đầu tư trước đại dịch COVID-19, công ty này có thể vay vốn từ Fed. Bất thình lình, Fed hành động và kịp thời ngăn chặn thùng thuốc súng nổ tung. 

Lần can thiệp này dường như không phải là một sự kiện "quá lớn để có thể sụp đổ", nhưng cũng suýt soát như vậy. Trong quá khứ, chính phủ Mỹ từng phải can thiệp để giúp các doanh nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Mỹ không phải đệ đơn phá sản.

"Fed phải can thiệp vào thị trường trái phiếu, khủng hoảng xảy ra quá nhanh", ông Matt Daly - trưởng bộ phận trái phiếu doanh nghiệp tại công ty tư vấn Conning, nhận định. "Nhiều công ty trong số này chưa mất khả năng thanh toán nhưng khi bí bách, họ cần phải được tiếp cận nguồn vốn".

Gần như ngay lập tức, thị trường trở về trạng thái cũ. Boeing bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệp nhưng vẫn từ chối khoản cứu trợ của chính phủ và dễ dàng huy động được 25 tỉ USD qua thị trường trái phiếu vào ngày 30/4. Đây cũng là thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn thứ 6 trong lịch sử. 

Tính chung cả tháng 4, thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư của Mỹ có tổng trị giá 300 tỉ USD.

Chủ tịch Fed Jerome Powell xem kết quả phát hành trái phiếu này là một thắng lợi. Tại một cuộc họp báo ngày 29/4, ông Powell nói: "Nhiều thương vụ cho vay khổng lồ đang được thực hiện, đây là tín hiệu tốt".

Ngày kế tiếp, sau khi các nhóm doanh nghiệp liên tục vận động hành lang, Fed đã mở rộng chương trình cho vay Phố Main để giúp đỡ thêm các công ty vừa và nhỏ, trong số này có nhiều công ty từng sử dụng thủ thuật kế toán để điều chỉnh lợi nhuận nhằm vay được vốn của Fed.

Các cơ quan quản lí toàn cầu đã cảnh báo về biện pháp giải cứu này, bây giờ chính Fed lại ngầm thực hiện lại cho nên khó có thể xem bước đi của Fed là một thắng lợi.

Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, khi tung ra các gói hỗ trợ tương tự, Fed thường bị đánh giá là "lựa chọn kẻ thắng, người thua". 

Tuy nhiên, so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước thì gần như không có lo ngại nào về rủi ro đạo đức liên quan đến các chương trình cứu trợ của Fed lần này.

Điều đó giúp cho các quan chức Fed thoát khỏi một gánh nặng lớn, cho phép cơ quan này hành động nhiều hơn, và nhanh hơn so với một thập kỉ trước.

Fed không sai nhưng còn cơ hội để cải thiện nhiều hơn

Khi cuộc khủng hoảng hiện nay qua đi, các quan chức NHTW Mỹ có thể đánh giá lại rủi ro đạo đức khi cho phép thị trường tín dụng chạm đến ngưỡng hiện nay. Cụ thể, họ nên cân nhắc liệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính toàn cầu - hiện trị giá khoảng 74 nghìn tỉ USD, có bền vững hay không?

Đồng thời, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, Fed có thể làm gì để tránh việc các lãnh đạo doanh nghiệp chất đầy bảng cân đối kế toán bằng trái phiếu và các khoản vay?

Theo Bloomberg, có một đáp án mà Fed có thể xem xét: Sớm tăng lãi suất. Fed đã giữ lãi suất ngắn hạn gần 0 suốt từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2015.

Các nhà làm chính sách án binh bất động trong 7 năm dài vì đã bắt đầu hạ lãi suất quá sớm rồi sau đó lại lo rằng nâng lãi suất sẽ cản trở đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế sau khủng hoảng. 

Chính giai đoạn lãi suất thấp kéo dài này đã khuyến khích doanh nghiệp vay nợ quá đà cũng như thúc đẩy nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.

Khi đó, Fed lo sợ nếu nâng lãi suất, nền kinh tế Mỹ sẽ chao đảo, các công ty ngập trong nợ nần sẽ sụp đổ và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hạ lãi suất lần nữa.

Mặc dù đòn bẩy tài chính cao không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, khối nợ vượt mức có thể cản trở nền kinh tế hồi sinh. Câu hỏi đặt ra cho Fed là liệu thiệt hại đó có thể tác động đến quyết định chính sách trong tương lai hay không.

Mục tiêu của Fed là toàn dụng lao động và duy trì lạm phát ổn định, nhưng Fed cũng có trách nhiệm cân bằng thị trường tài chính. Nếu thị trường trái phiếu không thể đứng vững khi thiếu "trụ đỡ" mà Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis gọi là "một lượng tiền mặt vô hạn" do Fed rót ra thì thị trường này cũng không an toàn cho lắm.

"Thật khó khăn cho Fed khi phải cân bằng mục tiêu việc làm, lạm phát và tính ổn định của thị trường tài chính và giữ cho ba mục tiêu này đồng bộ với nhau", ông Colin Lundgren - người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại công ty Columbia Threadneedle Investments, cho hay.

Để Fed có thể nghỉ ngơi, chính phủ Mỹ cần tung ra các chính sách tài khóa mới đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc củng cố nền kinh tế sau khi khủng hoảng COVID-19 đi qua.

Bloomberg nhận định, đẩy nhiệm vụ khó khăn trên sang các quan chức chính phủ do dân bầu sẽ giúp giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan của Fed.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.