Chủ tịch Fed: Kinh tế Mỹ có thể suy giảm 30%, triển vọng hồi phục phụ thuộc vào vắc xin
"Giả định rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai không xảy ra, tôi nghĩ nền kinh tế sẽ phục hồi một cách ổn định trong nửa cuối năm nay", ông Jerome Powell phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 17/5.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: "Để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn thì người dân cần phải thực sự tin tưởng, và điều này có thể phải chờ cho đến khi chúng ta có được vắc xin phòng COVID-19".
Theo Bloomberg, hơn 36 triệu người Mỹ đã rơi vào cảnh thất nghiệp kể từ tháng 2, trong bối cảnh nền kinh tế đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang bị đẩy đến bờ vực phá sản. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt ngân sách mà các tiểu bang và thành phố đang phải đối mặt có thể dẫn đến làn sóng sa thải khổng lồ từ khu vực công.
Để hạn chế thiệt hại, Fed đã giảm lãi suất xuống 0, tung ra hàng nghìn tỉ USD để cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính, và công bố 9 chương trình cho vay khẩn cấp để giữ cho dòng tín dụng chảy thông suốt trong nền kinh tế.
Hôm 17/5, khi được hỏi liệu tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ là 20% hay 25%, ông Powell trả lời: "Tôi nghĩ có một khoảng ước tính và tôi thấy tầm 20-25% là hợp lí khi thất nghiệp đạt đỉnh. Trong thời kì Đại Khủng hoảng những năm 1930, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất là 24,9%.
Ông Powell cũng cho rằng GDP của Mỹ có thể "dễ dàng sụt giảm tới trên 20 hoặc trên 30%". Dự báo này của ông Powell chỉ được chép lại, không được phát trên sóng truyền hình CBS.
Lãi suất âm
Một số nhà đầu tư đánh cược rằng Fed có thể sẽ phải theo gương các ngân hàng trung ương khác và áp dụng chính sách lãi suất âm, giống như ý muốn của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, các quan chức của Fed và chính bản thân ông Powell đã liên tục gạt bỏ ý tưởng này.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 17/5, ông Powell một lần nữa khẳng định lập trường của mình: "Tôi và các đồng nghiệp trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tiếp tục nghĩ rằng lãi suất âm có lẽ không phải là chính sách phù hợp và hữu ích cho Mỹ".
"Không có bằng chứng nào cho thấy chính sách này thực sự thúc đẩy hoạt động kinh tế tăng lên. Và lãi suất âm khiến cho hệ thống tài chính bị biến dạng, điều này sẽ lấy đi mọi lợi ích mà nó tạo ra".
"Mất một khoảng thời gian"
Ông Powell tuyên bố mọi người không bao giờ nên "đặt cược" chống lại nền kinh tế Mỹ, và thẳng thừng gạt bỏ ý tưởng rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc Đại Khủng hoảng lần thứ hai. Nhưng ông cũng không hứa hẹn nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng theo mô hình chữ V.
"Nền kinh tế sẽ hồi phục. Điều này có thể sẽ mất một khoảng thời gian. Quá trình này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm sau. Chúng tôi thật sự không biết".
Ông Powell cũng nhấn mạnh rằng Fed vẫn còn các biện pháp khác để hỗ trợ nền kinh tế: "Còn rất nhiều điều khác chúng tôi có thể làm. Chúng tôi đã làm những gì có thể trong thời gian qua. Nhưng tôi khẳng định Fed vẫn còn rất nhiều đạn dược".
Ông Powell chỉ ra rằng Fed có thể tăng cường các chương trình cho vay khẩn cấp, giúp cho chính sách tiền tệ đạt hiệu quả hơn bằng cách truyền tải những nhận định về nền kinh tế và hướng đi của chính sách trong tương lai, hoặc điều chỉnh chiến lược mua vào tài sản của Fed.
Đây có thể là một lời ám chỉ ngầm tới biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất, trong đó ngân hàng trung ương đặt ra mục tiêu lợi suất, rồi mua bán và nắm giữ trái phiếu để đạt được mục tiêu đó. Một số nhà phân tích kì vọng rằng Fed sẽ đi theo hướng này vào cuối năm 2020.
Chính sách tài khóa
Hôm 13/5, Chủ tịch Fed cũng đã cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu tổn thất lâu dài từ đại dịch nếu chính phủ không đẩy mạnh hỗ trợ cho nền kinh tế.
Phát biểu của ông Powell càng tăng thêm sức nặng cho những lời kêu gọi tăng cường chi tiêu quốc hội, trong bối cảnh Đảng Dân chủ đang thúc đẩy để gói cứu trợ kinh tế trị giá 3.000 tỉ USD được thông qua.
Ông Powell có thể sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về qui mô và thời điểm của gói cứu trợ bổ sung khi xuất hiện trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện hôm 19/5.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 17/5, ông Powell nói rằng việc cung cấp thêm hỗ trợ của quốc hội cho các tiểu bang và chính quyền địa phương "là vấn đề cần phải xem xét kĩ càng". Đồng thời, ông cũng nêu ra sự cần thiết của các chính sách nhằm hạn chế tình trạng mất khả năng thanh toán, và giữ cho người lao động có việc làm và nhà ở.
Ông Powell từ chối tham gia cuộc tranh luận xem khi nào nền kinh tế Mỹ nên mở cửa, chỉ nói rằng quá trình này nên diễn ra thận trọng để giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
Nhưng ông trả lời cởi mở hơn khi được hỏi rằng bao giờ ông sẽ cảm thấy an toàn để ngồi giữa đám đông để theo dõi đội khúc côn cầu ưa thích của ông thi đấu.
"Chắc chắn là không sớm hơn mùa giải sau. Các sự kiện thể thao công cộng, các buổi hòa nhạc và những thứ tương tự sẽ là những hoạt động được tổ chức trở lại sau cùng", ông trả lời.
Mùa giải Khúc côn cầu Quốc gia 2020-2021 dự kiến bắt đầu vào tháng 10/2020.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/