|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ định chi tiếp 3.000 tỉ USD cứu trợ kinh tế, phát thêm 1.200 USD cho mỗi người dân

10:16 | 13/05/2020
Chia sẻ
Các thành viên Đảng Dân chủ thuộc Hạ viện Mỹ vừa công bố dự luật cứu trợ mới nhất nhằm giảm bớt thiệt hại COVID-19 gây ra tới nền kinh tế và hệ thống y tế Mỹ. Tuy nhiên, dự luật này có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Đảng Cộng hòa nếu được trình lên Thượng viện.
Đảng Dân chủ công bố dự luật cứu trợ trị giá 3.000 tỉ USD - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: ABC News

Theo CNBC, dự kiến các lãnh đạo hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào ngày 15/5. Hôm 12/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng Quốc hội Mỹ có "một cơ hội quan trọng" để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bà Pelosi tuyên bố "không hành động gì chính là biện pháp tốn kém nhất" trong bối cảnh Đảng Cộng hòa trở nên thận trọng trong việc chi tiêu tiền thuế của người dân.

Nội dung những đề xuất do Hạ viện Mỹ đưa ra bao gồm:

- Gần 1.000 tỉ USD cứu trợ cho các bang và chính quyền địa phương

- Tiếp tục phát tiền trực tiếp cho người dân, mỗi người nhận 1.200 USD, một hộ gia đình nhận tối đa 6.000 USD

- 200 tỉ USD đền bù rủi ro sức khỏe cho những lao động thiết yếu phải làm việc trong khủng hoảng COVID-19

- 75 tỉ USD được sử dụng để tiến hành xét nghiệm và truy dấu người nhiễm bệnh – yếu tố chủ chốt để khởi động lại việc kinh doanh

- Gia hạn chương trình bảo hiểm thất nghiệp liên bang cho tới tháng 1/2021, người lao động thất nghiệp được hưởng thêm 600 USD/tuần ngoài các khoản hỗ trợ thường được nhận từ chính quyền (điều khoản phúc lợi thất nghiệp trong gói cứu trợ 2.000 tỉ USD được thông qua vào tháng 3 sẽ hết hạn sau tháng 7)

- 175 tỉ USD hỗ trợ tiền thuê nhà, thế chấp và điện nước

- Trợ cấp và cung cấp thời hạn đặc biệt để đăng kí tham gia Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền dành cho những người không còn được hưởng bảo hiểm y tế do chủ lao động tài trợ

- Cấp thêm tiền cho Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), tăng thêm 15% mức phúc lợi tối đa

- Các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và giúp họ giữ được nhân viên trong biên chế, chẳng hạn như 10 tỉ USD trợ cấp hỗ trợ thảm họa khẩn cấp, tăng cường miễn giảm thuế cho những chủ lao động không sa thải nhân viên

- Cung cấp tiền để đảm bảo an toàn trong quá trình bầu cử trong đại dịch COVID-19, và các điều khoản khác giúp việc bỏ phiếu qua thư dễ dàng hơn

- Cứu trợ cho Dịch vụ Bưu chính Mỹ (UPS)

Các trở ngại từ Thượng viện

Đảng Dân chủ cho biết tỉ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng và tỉ lệ thất nghiệp lịch sử kể từ cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930 đòi hỏi chính phủ phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.

Dự luật mới do Đảng Dân chủ đề xuất có trị giá hơn 3.000 tỉ USD, lớn hơn hẳn qui mô gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ được thông qua vào tháng 3 vừa qua là 2.000 tỉ USD.

Nếu được Hạ viện thông qua, kế hoạch này vẫn sẽ vấp phải trở ngại khi được trình lên Thượng viện.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhận xét: "Dự luật mà Đảng Dân chủ đề xuất ở Hạ viện không phải là một kế hoạch để đối phó với tình hình thực tế, mà chỉ là để thỏa mãn tham vọng".

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã gọi dự luật này là việc "phí hoài thời gian của người đóng thuế". Ông cũng tuyên bố kế hoạch này "hoàn toàn không có cơ hội để được thông qua thành đạo luật chính thức".

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell không đồng tình với việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ưu tiên cung cấp hỗ trợ cho các tiểu bang và chính quyền địa phương.

Nhiều khả năng các tiểu bang và địa phương sẽ sớm phải thu hẹp biên chế và các chương trình hỗ trợ do doanh thu bị sụt giảm trong khi phải chi tiêu nhiều hơn để chống dịch.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ lại phản đối mục tiêu của Đảng Cộng hòa là hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Giang