Fed cảnh báo giá chứng khoán có thể lao dốc mạnh nếu dịch COVID-19 chuyển biến xấu đi
Tuyên bố trên của Fed được đưa ra trong báo cáo phân tính ổn định tài chính bán niên, với mục đích là nhằm chỉ ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, theo Bloomberg,
Báo cáo trên nhấn mạnh sự can thiệp của Fed vào các thị trường và việc tạm thời nới lỏng qui định đối với các công ty tài chính nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
"Giá tài sản rất dễ sụt giảm mạnh nếu tình hình đại dịch đột ngột thay đổi theo hướng bất ngờ, sự sụt giảm kinh tế nguy hại hơn so với dự kiến, hoặc căng thẳng trên hệ thống tài chính xuất hiện trở lại", báo cáo của Fed viết.
Theo Fed, bất động sản thương mại là một trong những ngành dễ bị tổn thương do có giá tương đối cao từ trước đại dịch, đồng thời, ngành bán lẻ và khách sạn đã và đang phải trải qua giai đoạn gián đoạn nghiêm trọng.
Mặc dù các qui định được thiết lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp Phố Wall trở nên mạnh mẽ hơn, các điểm yếu trong hệ thống tài chính vẫn có thể khuyếch đại cú sốc kinh tế từ COVID-19, báo cáo của Fed cho biết.
Ảnh hưởng nặng nề từ sự đóng cửa đột ngột
Nền kinh tế toàn cầu đóng cửa đột ngột đã gây ra sự bất định trên thị trường tài chính, làm đảo lộn mọi giao dịch trên thị trường, từ trái phiếu Kho bạc cho đến trái phiếu có rủi ro cao và khiến giá cổ phiếu chao đảo mạnh.
Thị trường đã trở nên ổn định khi Fed bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính. Nhưng trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với những rủi ro chưa từng có tiền lệ nếu các nhà hoạch định chính sách không tiếp tục hành động.
"Hỗ trợ tài khóa bổ sung có thể khá tốn kém nhưng đáng để đánh đối nếu biện pháp này giúp tránh thiệt hại kinh tế lâu dài và thúc đẩy Mỹ phục hồi mạnh mẽ hơn", ông Powell phát biểu trong sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Viện Peterson.
Để giảm thiểu tác động của COVID-19 đến kinh tế Mỹ, Fed đã hạ lãi suất điều hành xuống 0, mua vào 2.000 tỉ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, đồng thời công bố kế hoạch thực hiện 9 chương trình cho vay khẩn cấp.
Fed cũng đã chuyển hàng trăm tỉ USD cho các ngân hàng trung ương nước ngoài thông qua nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ và tạm thời mua trái phiếu Kho bạc.
Ngoài ra, Fed cũng nới lỏng một số luật lệ để khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Can thiệp mạnh mẽ
"Các biện pháp can thiệp mạnh mẽ từ sớm đã đạt được hiệu quả trong việc giải quyết căng thẳng thanh khoản. Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng thanh toán của những doanh nghiệp đi vay có đòn bẩy cao, do các doanh nghiệp này sẽ ngày càng gặp khó trong việc trả nợ nếu COVID-19 kéo dài", Thống đốc Fed Lael Brainard phát biểu hôm 15/5.
Báo cáo của Fed chỉ ra rằng một số quĩ đầu cơ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và điều này đã góp phần khiến thị trường biến động mạnh mẽ.
"Tình trạng kiệt quệ tài chính tại một số quĩ đầu cơ lớn có đòn bẩy rất cao có thể gây ra tác động lớn do các quĩ này có thể buộc phải bán ra lượng tài sản tài chính lớn để đáp ứng yêu cầu bổ sung kí quĩ, hoặc để giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư", báo cáo viết.
"Việc các quĩ đầu cơ lớn giảm đòn bẩy có thể đã góp phần tạo ra tình trạng thanh khoản nghèo nàn trên thị trường tài chính hồi tháng 3".
Báo cáo của Fed cũng nhấn mạnh những nguy hiểm trong thị trường cho vay có đòn bẩy.
"Số lượng các vụ vỡ nợ đối với khoản vay có đòn bẩy đã tăng trong tháng 2 và tháng 3, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng" tùy thuộc vào tình hình của nền kinh tế, báo cáo cho biết.
Khoản vay có đòn bẩy là một loại khoản vay được cấp cho các công ty hoặc cá nhân đã có số nợ đáng kể và/hoặc có lịch sử tín dụng yếu kém.