|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ Mỹ đã 'sẵn sàng chịu lỗ' khi vung tiền giải cứu doanh nghiệp

10:45 | 20/05/2020
Chia sẻ
Ông Mnuchin cho biết có khả năng chính phủ Mỹ sẽ không thu về được toàn bộ các khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn vì COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin: Chính phủ Mỹ đã "chuẩn bị sẵn sàng để chịu lỗ" khi cho doanh nghiệp vay - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Fed Jerome Powell đều tham gia phiên điều trần. Ảnh: Forbes

Ngày 19/5, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có mặt trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về việc thực thi Đạo luật Hỗ trợ và An ninh Kinh tế trong đại dịch COVID-19 (CARES Act).

Theo CNBC, ông Mnuchin tuyên bố cả  Bộ Tài chính và Fed đều đã "chuẩn bị sẵn sàng để chịu lỗ trong một số kịch bản nhất định" đối với số tiền còn lại sẽ được phân bổ nốt theo CARES Act.

Dù không miêu tả rõ "những kịch bản nhất định" là gì, nhưng ông Mnuchin nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính đã sẵn sàng để phân bổ toàn bộ 500 tỉ USD theo dự định ban đầu để giúp đỡ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ tín dụng lên tới 195 tỉ USD, và còn lại 259 tỉ USD để mở rộng hoặc tạo lập thêm các chương trình mới nếu cần. Tổng số tiền 454 tỉ USD này bằng với ngân sách ban đầu được phân bổ để trợ giúp doanh nghiệp, chưa tính đến 46 tỉ USD dành riêng cho ngành hàng không.

Phiên điều trần hôm 19/5 là lần đầu tiên các quan chức liên bang trả lời câu hỏi của Quốc hội về gói cứu trợ khổng lồ mà Tổng thống Trump đã kí thông qua hồi cuối tháng 3.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tham gia phiên điều trần cùng ông Mnuchin. Cả hai ông đều nhấn mạnh rằng dữ liệu kinh tế từ những tiểu bang đang bắt đầu mở cửa sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định những phản ứng tiếp theo của liên bang.

Ông Powell nói với các thượng nghị sĩ: "Chúng tôi sẽ theo dõi việc mở cửa diễn ra nhanh chóng đến đâu. Việc này rất khó để biết. Chúng tôi sẽ nhận được rất nhiều thông tin một cách nhanh chóng về việc quá trình này sẽ cần phải có những gì".

Hai ông Mnuchin và Powell cam đoan với các nhà lập pháp rằng cả hai chương trình cho vay đối với doanh nghiệp và thành phố sẽ bắt đầu giải ngân vào cuối tháng.

Ông Mnuchin thừa nhận "những thách thức chưa từng có mà người dân Mỹ đang gặp phải do đại dịch COVID-19", và nói với các thượng nghĩ sĩ rằng "căn bệnh này đang ảnh hưởng đến các gia đình và cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Người dân Mỹ đang phải chịu đựng nhiều thách thức kinh tế dù họ không lỗi gì".

Hơn 36 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ khi Mỹ áp lệnh phong tỏa hồi giữa tháng 3 để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Ông Mnuchin cũng nhấn mạnh rằng dù có một vài mô hình khác nhau về tương lai của gói cứu trợ doanh nghiệp 500 tỉ USD, có khả năng rằng chính phủ Mỹ sẽ không thể thu hồi được toàn bộ số tiền này.

"Trong một số kịch bản, chúng ta có thể sẽ mất sạch số tiền tài trợ các chương trình cho vay đối với doanh nghiệp. Và trong các kịch bản khác mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta thậm chí có thể thu được một chút lãi", ông Mnuchin trả lời Thượng nghị sĩ Mark Warner.

"Bộ Tài chính dự kiến chương trình cho vay này sẽ phải chịu một số khoản lỗ. Đó là kịch bản cơ sở của chúng tôi", ông Mnuchin nói.

Tiền có đến được tay người lao động?

Ông Mnuchin biện hộ cho cách Bộ Tài chính phân bổ tiền từ Đạo luật CARES Act 2.000 tỉ USD mà Quốc hội đã thông qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành công nghiệp và cá nhân gặp khó khăn.

"Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ trong Chương trình bảo vệ tiền lương, giải quyết hơn 4,2 triệu khoản vay với qui mô 530 tỉ USD để giúp hàng chục triệu người Mỹ không mất việc làm", ông Mnuchin nói.

Ông cũng lưu ý rằng Bộ Tài chính đã gửi đi hơn 240 tỉ USD tiền cứu trợ trực tiếp cho hàng triệu người Mỹ và gần 150 tỉ USD cho các tiểu bang, chính quyền địa phương để hỗ trợ cho các dịch vụ thiết yếu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã "phê chuẩn gần 25 tỉ USD hỗ trợ tiền lương nhân công cho ngành hàng không". Tuy nhiên, ông không nói rằng số tiền này đã được chuyển đi, mà chỉ là "được phê chuẩn".

Sự chậm chạp của việc chuyển tiền cứu trợ cho ngành hàng không là một trong những vấn đề bị nhắc đến trong báo cáo phê bình của một ủy ban quốc hội theo dõi việc thi hành Đạo luật CARES Act.

Từ trước khi phiên điều trần bắt đầu, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã phát đi tín hiệu rằng ông Mnuchin sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi gay gắt về tốc độ chậm chạp của các khoản vay cho doanh nghiệp gặp khó khăn, và rằng bao nhiêu phần trong số tiền đó thực sự đến được tay người lao động.

Nội dung của đạo luật CARES Act có bao gồm 500 tỉ USD để Bộ Tài chính và Fed cho doanh nghiệp vay.

Thượng nghị sĩ Sherrod Brown tuyên bố: "với những gì chúng tôi biết cho đến nay, có vẻ như Bộ tài chính và Fed đang không đặt người lao động lên ưu tiên hàng đầu".

Thượng nghị sĩ Brown cho biết ông muốn chất vấn hai ông Mnuchin và Powell về vấn đề "làm cách nào mà Bộ Tài chính và Fed đảm bảo rằng số tiền và quyền lực Quốc hội cấp cho các vị thực sự giúp đỡ những người chèo chống đất nước này".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.