|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền từ gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ lại chảy vào túi các ông lớn, vì sao?

12:19 | 02/05/2020
Chia sẻ
Dư luận Mỹ đang cực kì phẫn nộ khi biết rằng rất nhiều công ty lớn, có vốn hóa thị trường hàng tỉ USD lại nhận được nhiều triệu USD từ gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ của quốc hội và chính phủ.
Vì sao tiền từ gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ lại chảy vào túi các ông lớn? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin. Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp lớn tại Mỹ đã nhận được tiền vay từ gói giải cứu 350 tỉ USD ban đầu trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương, được thông qua bởi Quốc hội Mỹ, và chịu sự giám sát của Bộ Tài chính và Cục Quản lí Doanh nghiệp Nhỏ (SBA).

Mục tiêu của gói cứu trợ này là giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì hoạt động bằng cách cung cấp các khoản vay từ ngân sách chính phủ. Doanh nghiệp sẽ không phải trả lại tiền nếu không cắt giảm nhân viên.

Sự tức giận hiện nay của công chúng Mỹ gợi nhớ đến làn sóng chỉ trích các chính sách của chính phủ Mỹ nhằm giải cứu nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Rất nhiều người cáo buộc rằng chính phủ Mỹ đã quá ưu ái cho Phố Wall, và bỏ qua lời hứa sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và dân thường.

Qui mô của gói cứu trợ hiện tại còn lớn hơn nhiều so với số tiền chính phủ Mỹ tung ra hồi năm 2008, trong khi đó, sự giám sát lại thấp hơn nhiều.

Trò chơi đổ lỗi về chương trình cứu trợ doanh nghiệp nhỏ hiện đã nóng lên. Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin chỉ trích các doanh nghiệp lớn đã tham gia chương trình – dù có vẻ nhiều doanh nghiệp trong số đó đáp ứng đủ điều kiện. Ông Mnuchin thậm chí còn đe dọa sẽ truy tố hình sự các doanh nghiệp này. 

Giới ngân hàng bị cáo buộc là đã ưu tiên cho các khách hàng lớn nhất, sinh lợi nhiều nhất trước các doanh nghiệp nhỏ, và bỏ rơi những doanh nghiệp không có mối quan hệ thân thiết với nhà băng.

Những chỉ trích này đã bỏ lỡ ý quan trọng nhất: Chính bản thân đạo luật mà Quốc hội Mỹ thông qua, cùng với thiết kế sai lầm của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đã đảm bảo rằng các doanh nghiệp lớn hơn và giàu có hơn sẽ được thiên vị.

Đầu tiên là đạo luật. Mặc dù nhiều người đã sử dụng từ "lỗ hổng" để miêu tả cách mà Shake Shack – chuỗi nhà hàng ăn nhanh trị giá 2,3 tỉ USD được nhận khoản vay cứu trợ, nhưng rõ ràng "lỗ hỗng" này đã được thiết kế một cách có chủ ý.

Theo đạo luật, mọi chuỗi nhà hàng và một số các công ty có thể tham gia Chương trình Bảo vệ Tiền lương miễn là mỗi địa điểm của họ không thuê hơn 500 nhân viên. Bạn đã từng thấy một nhà hàng đồ ăn nhanh nào có hơn 500 nhân viên chưa?

Cho dù điều kiện này là kết quả của quá trình vận động hành lang hiệu quả của doanh nghiệp, hay là một lựa chọn chính sách nhằm giữ cho nhân viên của các chuỗi nhà hàng không bị sa thải, chắc chắn đây không phải là một lỗ hổng. (Dưới áp lực của chính phủ Mỹ, Shake Shack đã phải trả lại tiền vay)

Vấn đề thứ hai là cách chương trình được thiết kế. Mọi người đều biết rằng số tiền ban đầu được cung cấp cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương là không đủ, và các doanh nghiệp sẽ phải điên cuồng giành giật nhau để được cấp khoản vay ngay khi thời hạn đăng kí bắt đầu.

Những người thiết kế chương trình đáng lẽ ra nên thiết lập các bước để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp thuộc mọi qui mô, hoặc thậm chí là ưu ái hơn cho doanh nghiệp nhỏ.

Rõ ràng, chính phủ Mỹ đã không rút ra được bài học từ các sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Trong quá khứ, chính phủ Mỹ cấp tiền giải cứu nền kinh tế thông qua ngân hàng, khuyến khích ngân hàng sử dụng tiền giải cứu của chính phủ để tăng cường cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, và cung cấp sự cứu trợ cho các chủ nhà đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhà đất.

Các cơ quan giám sát đã khuyến nghị cần đính kèm một số điều kiện để bắt buộc hoặc thúc đẩy các ngân hàng thực hiện các mục tiêu của chương trình giải cứu nhưng Bộ Tài chính Mỹ năm 2008 đã tin tưởng vào sự tự giác của các ngân hàng.

Tuy nhiên, do không có bất kì động lực nào để ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ, giới ngân hàng đã sử dụng số tiền nhận được để theo đuổi mục tiêu của chính họ, chứ không phải theo ý định của Bộ Tài chính.

Dù những bài học này đã được thảo luận nhiều lần sau cuộc khủng hoảng tài chính, Bộ Tài chính và SBA đã lờ đi mọi kinh nghiệm rút ra từ quá khứ khi thiết lập các điều khoản cho chương trình cứu trợ hiện tại.

Trên thực tế, những ưu đãi họ thiết lập cho chương trình lại thúc đẩy ngân hàng ưu tiên những khách hàng có mối quan hệ vững chắc từ trước và mang lại lợi nhuận lớn. Khoản vay cấp theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương càng lớn, tiền phí ngân hàng nhận được càng cao.

Các thủ tục giấy tờ lằng nhằng thì sao? Các khách hàng thân quen được xét duyệt rất nhanh, còn những doanh nghiệp không có mối quan hệ từ trước với ngân hàng thì phải tốn cả một núi thời gian.

Ngoài ra, Chương trình Bảo vệ Tiền lương cũng không có điều khoản nào để chống lại xu hướng tự nhiên của ngân hàng là ưu tiên cho những khách hàng sinh lợi nhiều nhất.

Ví dụ, chương trình này không thiết kế cấu trúc phí khác với thông thường, cũng như không có yêu cầu đòi hỏi một phần của các khoản vay phải được cấp cho những doanh nghiệp có qui mô nhỏ hơn một ngưỡng nhất định.

Kết quả là những thiếu sót này là tạo ra sự bất bình đẳng, giống như cuộc khủng hoảng trước.  

Bỏ qua cơ hội sửa chữa sai lầm

Quốc hội Mỹ đã có cơ hội để khắc phục những vấn đề trên khi đồng ý rót thêm 310 tỉ USD cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương vào tuần trước. Tuy nhiên, tình hình gần như không được cải thiện, với không đến 10% số tiền của chương trình được phân bổ cho các ngân hàng nhỏ có tài sản thấp hơn 50 tỉ USD.

Theo Bloomberg, nhiều khả năng các ngân hàng nhỏ - được thúc đẩy bởi những động lực giống hệt các ngân hàng lớn – cũng sẽ ưu tiên cho các khách hàng lớn nhất hiện có của họ.

Lần này, Bộ Tài chính và SBA đã được trao cơ hội để thiết lập lại các qui tắc của chương trình cứu trợ. Nhưng các cơ quan này chỉ thực hiện một số thay đổi nhỏ, gần như không có tác dụng gì ngoài việc gây áp lực để đòi những công ty lớn hoàn trả khoản vay đã được cấp. Tuy nhiên, số tiền này sẽ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với qui mô của chương trình.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cũng đe dọa sẽ truy tố hình sự những doanh nghiệp lớn đã trình bày sai nhu cầu kinh tế. Tuy nhiên, lời đe dọa chỉ là lời đe dọa, các hướng dẫn ban đầu của chương trình cứu trợ là khá mơ hồ, khiến cho việc truy tố hình sự là rất khó khăn.

Nếu các nhà hoạch định chính sách không làm theo những bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, thì không chỉ các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thua thiệt, mà làn sóng phẫn nộ của công chúng có thể sẽ làm thay đổi cục diện chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm nay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang