|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

3.000 tỉ USD đã mang lại gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19?

17:06 | 18/05/2020
Chia sẻ
Các tấm séc trợ cấp thất nghiệp liên tục được gửi đi, 490 tỉ USD đã được chuyển tới doanh nghiệp, và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cấp gần 2.500 tỉ USD cho các thị trường tài chính trong và ngoài nước. Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa đạt được thắng lợi trong cuộc chiến chống COVID-19.
3.000 tỉ USD đã mua được gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 1.

Trụ sở của Fed tại Washington. Ảnh: Reuters

Những lo ngại về các bệnh viện quá tải và hàng triệu người tử vong vì COVID-19 đã giảm bớt, và gần như là đã biến mất.

Nhưng trong hai tháng chiến đấu chống lại đại dịch toàn cầu, nước Mỹ vẫn chưa đạt được chiến thắng trên mặt trận y tế hay kinh tế. Theo Reuters, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng cường quốc số một thế giới chỉ mới tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất.

Với mỗi cộng đồng mà số trường hợp nhiễm COVID-19 sụt giảm, nước Mỹ lại có thêm vài điểm nóng phát sinh. Có những tiểu bang mà các quán rượu đã được phép mở cửa và đông đúc trở lại như Wisconsin, nhưng cũng không thiếu các tiểu bang vẫn đang phải phong tỏa chặt chẽ như Maryland.

Mỹ cũng chưa có kế hoạch xét nghiệm tổng thể, chuẩn mực nào để có thể biết điều gì đang xảy ra đối với y tế cộng đồng tại những khu vực trên. Mỗi ngày, Mỹ lại có thêm 20.000 – 25.000 ca nhiễm mới, và 1.000 – 2.000 chết vì COVID-19.

Duy chỉ có một điều mà mọi người có thể đồng ý: cuộc đấu tranh để quay trở lại đời sống sinh hoạt và kinh tế như bình thường sẽ cần thêm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc so với suy nghĩ ban đầu.

Rủi ro về một cuộc Đại Khủng hoảng kéo dài nhiều năm đã tăng lên, các quan chức thực tiễn ngày càng đưa ra các triển vọng tiêu cực hơn trước, những tuần sắp tới và các lựa chọn tiếp theo đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với tương lai.

Mỹ đứng trước hai con đường khác hẳn nhau trong cuộc chiến chống COVID-19: một là chấp nhận sẽ có rất nhiều người chết để đạt được "miễn dịch cộng đồng", hai là phong tỏa nghiêm ngặt để dập tắt hoàn toàn các ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, lựa chọn của nước Mỹ lại là "không đi trên con đường nào cả", ông James Stock, chuyên gia kinh tế Đại học Harvard cho biết.  

Điều này có nghĩa là nước Mỹ vẫn chưa thể thấy trước được bao giờ nỗi đau kinh tế và y tế mới chấm dứt.

Ông James Stock chia sẻ: "Tôi thực sự lo ngại rằng chúng ta sẽ chỉ tiếp tục cầm cự. Chúng ta sẽ mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, nhưng không theo một cách khôn khéo… và tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 15-20% trong suốt nhiều tháng trời. Khó mà có thể diễn tả được những việc này sẽ gây hại nhiều đến mức nào".

Đánh giá tình hình

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ xuất hiện trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện hôm 19/5 để trình bày bản cập nhật hàng quí đầu tiên về việc thực thi Đạo luật Hỗ trợ và An ninh Kinh tế trong đại dịch COVID-19 (CARES Act) trị giá 2.300 tỉ USD để chống COVID-19.  

Một dự luật được thông qua sau đó đã nâng tổng qui mô số tiền cứu trợ lên đến 2.900 tỉ USD.

Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Fed sẽ phải đối mặt với các câu hỏi chi tiết về những nỗ lực của họ trong thời gian qua. Riêng Chương trình Bảo vệ Tiền lương ban đầu đã bị quá tải với số đơn đăng kí tham gia, và bị chỉ trích vì đã cấp hàng trăm khoản vay cho các doanh nghiệp đại chúng lớn.

Giờ đây, sau hai tháng đạo luật trên được thông qua, một chương trình bổ sung vẫn còn 120 tỉ USD chưa giải ngân. Công ty chứng khoán TD Securities cho rằng người dân Mỹ từ chối nhận số tiền này vì sự mập mờ của các điều khoản.

Đảng Dân chủ có thể sẽ tận dụng phiên điều trần này để thuyết phục Bộ trưởng Mnuchin và Chủ tịch Powell rằng các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế.

Dự báo số người chết giảm, tăng cường xét nghiệm

Biện pháp phong tỏa và số tiền chính phủ Mỹ bỏ ra đã giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19, một đại dịch mà ban đầu được dự kiến là sẽ cướp đi sinh mạng của 2 triệu người Mỹ.

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện là hơn 89.500 người, và được dự kiến là sẽ vượt 135.000 ca tử vong vào đầu tháng 8.  

Sau các sai sót và sự chậm trễ của chính phủ, hiện tại Mỹ đã thực hiện được 1,5 - 2 triệu xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày. Nhưng năng lực xét nghiệm của Mỹ vẫn chưa bằng một nửa so với ngưỡng mà các quan chức y tế cho là cần thiết. 

Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp Mỹ "san phẳng đường cong đại dịch", làm giảm tốc độ lây nhiễm tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhờ vậy, bệnh viện có thời gian để đào tạo lại y tế, tập hợp số thiết bị bảo hộ cá nhân được quyên góp, và tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất là quá tải các phòng chăm sóc đặc biệt.

Tiếp tục chi thêm hàng nghìn tỉ USD?

Hồi cuối tháng 3, đạo luật CARES Act đã được coi là một động lực lớn và có lẽ sẽ đủ để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Cuộc chiến chống lại sự lây lan của COVID-19 đã khiến kinh tế Mỹ phải chịu hậu quả nặng nề, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, kéo theo hàng chục triệu người bị mất việc làm.

3.000 tỉ USD đã mua được gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 2.

3.000 tỉ USD đã mua được gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 3.

3.000 tỉ USD đã mua được gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 4.

3.000 tỉ USD đã mua được gì cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 5.

Mục tiêu chính của Đạo luật CARES Act là giúp bù đắp cho phần thu nhập mà người dân và các doanh nghiệp bị mất do các biện pháp phong tỏa.

Nhà kinh tế Michael Feroli của JPMorgan cho rằng các khoản vay và số tiền chính phủ phát cho người dân đã giúp giảm thiểu được tác động kinh tế của COVID-19. Theo dự đoán ban đầu, từ tháng 4 cho đến tháng 6, COVID-19 sẽ làm "bốc hơi" 60% thu nhập thường niên, nhưng con số ước tính hiện tại chỉ là 15%.

Tuy nhiên, GDP quí II sẽ giảm 40% (tính theo cơ sở một năm). Dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm tài khoán hiện tại sẽ gần gấp 4 năm trước, lên tới 3.700 tỉ USD.

Thời hạn kết thúc của một số chương trình hỗ trợ trong Đạo luật CARES Act đang đến gần.

Các khoản vay cấp cho doanh nghiệp nhỏ đủ để trả chi phí tiền lương trong 8 tuần, trong khi đó một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa từ giữa tháng 3. Điều khoản hỗ trợ cho người thất nghiệp do tác động của COVID-19 thêm 600 USD/tuần sẽ hết hạn vào cuối tháng 7.

Hôm 15/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ thêm 3.000 tỉ USD để bổ sung cho nguồn tài trợ, nhưng dự luật này chưa chắc sẽ được Thượng viện chấp nhận.

Giang