|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tăng cao kỷ lục, chuyên gia cảnh báo thị trường khó hấp thụ cú sốc thật từ thuế quan

10:36 | 17/02/2025
Chia sẻ
Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn phớt lờ rủi ro thuế quan, giúp chứng khoán Mỹ thăng hoa. Tuy nhiên, biến động sẽ còn tiếp tục đeo bám thị trường.

Xe đầu kéo đi vào cảng California. (Ảnh: Bloomberg). 

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng trước và tuyên bố sẽ áp thuế lên các đối tác thương mại bất kể đồng minh hay đối thủ địa chính trị, Phố Wall phải đoán xem liệu ông chủ Nhà Trắng có hành động hay không.

Mặc dù phản ứng ban đầu trên thị trường chứng khoán là thận trọng, tâm trạng của các nhà đầu tư đang thay đổi khi chính sách của chính quyền mới ngày càng trở nên lộn xộn, khó đoán.

Các nhà đầu tư phải làm gì? Cho đến nay, họ đã phớt lờ những xôn xao về thuế quan và quyết định mua cổ phiếu.

Tuy rủi ro về một cuộc chiến thương mại toàn cầu vẫn còn sau khi ông Trump thông báo sẽ đánh thuế 25% lên nhôm, thép nhập khẩu từ tháng 3 và áp thuế đối ứng với nhiều nước (có thể là từ tháng 4), các chỉ số chứng khoán vẫn tiếp đà tăng.

Câu hỏi bây giờ là liệu những nhà đầu tư đã thúc đẩy đợt tăng giá gần đây có đang đánh giá đúng những gì ông Trump sẽ làm hay họ đang mạo hiểm một cách nguy hiểm, Bloomberg đặt vấn đề.

Ông Andrew Slimmon, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Morgan Stanley, cho hay: “Khi các nhà đầu tư nhận ra rằng thuế quan có thể sẽ không mang tính trừng phạt như dự kiến ban đầu, đó là tin tốt so với kỳ vọng”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng tâm lý thị trường yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn lo sợ về những rủi ro trong các kế hoạch của chính quyền ông Trump.

Nhà quản lý danh mục trên cho biết một phần đáng kể trong dòng tiền gần đây vào cổ phiếu đến từ những nhà đầu tư nhạy cảm với các cú sốc, khiến thị trường ngày càng biến động theo các tin tức trên truyền thông.

Một chỉ số về bất ổn chính sách thương mại đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2019, thời điểm một cuộc thương chiến tương tự đang thành hình.

Ông Adam Turnquist, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại LPL Financial, cho biết: “Chỉ số bất ổn và dự báo biến động của thị trường thường diễn biến cùng chiều. Mối tương quan này cho thấy sự biến động sẽ gia tăng”.

 

Tín hiệu xấu?

Mặc dù biến động có thể tăng trong trung hạn, cho đến nay các nhà đầu tư vẫn chưa hành động trước rủi ro đó.

Các quỹ phòng hộ và nhà đầu cơ lớn khác đã bán ròng hợp đồng tương lai gắn với chỉ số biến động Cboe (hay chỉ số VIX) trong 16 tuần liên tiếp, dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hợp đồng Tương lai Hàng hoá chỉ ra.

Vị thế bán ròng đang dao động quanh mức 59.000 hợp đồng, con số từng thấy khi nhà đầu tư bắt đầu huỷ bỏ các giao dịch carry trade bằng đồng yen Nhật vào giữa tháng 7 năm ngoái.

Sang đến tháng 8 năm đó, VIX nhảy vọt lên mức chưa từng thấy kể từ đại dịch COVID-19 và chỉ số S&P 500 lao dốc, gây sốc cho các nhà đầu tư cổ phiếu đặt cược rằng biến động sẽ tiếp tục giảm.

Ông Turnquist nhấn mạnh: “Khi bất ổn và biến động lên cao, bạn không thể thấy thị trường tiếp tục tăng lên mức kỷ lục”.

Nói cách khác, kỳ vọng của các chiến lược gia về mức tăng 12% của S&P 500 trong năm nay đang có vẻ không chắc chắn.

“Thuế quan là một trong những yếu tố rủi ro nhất đối với thị trường tài chính, mặc dù nó thuộc loại ‘ẩn số đã biết’. Quy mô, phạm vi và trình tự thực hiện chính sách thuế quan vẫn chưa rõ ràng”, chiến lược gia Bill Sterling của GW&K Investment Management giải thích.

Các ngân hàng Phố Wall cũng đồng tình. Nhóm chiến lược gia của Goldman Sachs cảnh báo thuế quan là rủi ro gây bất lợi chính cho triển vọng năm 2025 của họ. Evercore ISI lưu ý sự thiếu rõ ràng về chính sách đã bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Và một phân tích từ Bank of America cho thấy trong số 50 công ty lớn nhất thuộc S&P 500, một thước đo về độ mong manh của cổ phiếu đang hướng tới mức cao nhất trong hơn 30 năm.

Trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ cũng phát đi thông điệp thận trọng về căng thẳng thương mại.

Tuần trước, Ford Motor cho biết mức thuế 25% đối với hàng hoá Mexico và Canada (hiện đã được dời đến ngày 4/3) sẽ tạo ra một lỗ hổng trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

 

Không giỏi hấp thụ cú sốc

“Bài học mà chúng ta rút ra được từ đợt giảm giá ngắn ngủi của S&P 500 trước khi ông Trump hoãn áp thuế quan lên Mexico/Canada là cổ phiếu Mỹ rất kiên cường và không dễ phản ứng thái quá, nhưng không có nhiều khả năng hấp thụ tin xấu”, các chiến lược gia của RBC Capital Markets cho hay.

S&P 500 sụt gần 2% vào đầu phiên 3/2, ngày ông Trump công bố mức thuế quan lên hàng hoá của các nước láng giềng. Song, chỉ số này đã thu hồi phần lớn mức giảm sau khi thuế quan được hoãn lại.

Chứng khoán Mỹ cũng có vẻ trông bền bỉ hơn so với vẻ ngoài. Ví dụ, vào ngày 13/2, sau khi ông Trump tuyên bố ý định đánh thuế đối ứng, S&P 500 đóng cửa tăng 1% vì nhà đầu tư nhẹ lòng rằng vị tổng thống không áp thuế ngày hôm đó và hy vọng thuế quan sẽ đến muộn hơn.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, hơn 40% mức tăng chỉ đến từ ba cổ phiếu gồm Nvidia, Apple và Tesla. Điều này cho thấy bản chất rủi ro của thị trường chứng khoán ngay bây giờ.

Các gã khổng lồ công nghệ đã thúc đẩy thị trường chung trong vài năm qua và sự khác biệt giữa nhóm này với phần còn lại đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Nhưng đồng thời, những cổ phiếu tăng giá mạnh đó cũng đang bắt đầu lộ vẻ mong manh, khi mức định giá trở nên quá cao và công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc gây xôn xao.

Yên Khê

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.