Ông Trump công bố lộ trình áp thuế quan đối ứng, tháng 4 là mốc thời gian quan trọng
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/14/crawl-20250214024318719-20250214024318742.jpg?width=700)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về thuế quan đối ứng với sự chứng kiến của ứng viên cho chức Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick, hôm 13/2. (Ảnh: Getty Images).
Hôm 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh mới, chỉ đạo Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Bộ Thương mại đề xuất các khoản thuế đối ứng theo từng quốc gia nhằm nỗ lực tái cân bằng quan hệ thương mại toàn cầu.
“Vì mục đích công bằng, tôi quyết định Mỹ sẽ áp dụng thuế quan đối ứng để đáp trả bất kỳ khoản thuế nào mà các quốc gia khác áp dụng đối với Mỹ”, ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục.
“Trong hầu hết các trường hợp, họ tính thuế chúng ta cao hơn nhiều so với mức chúng ta tính cho họ, nhưng những ngày đó đã qua rồi”, vị tổng thống nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm với các phóng viên, ông Trump tiết lộ Mỹ sẽ ban hành thuế nhập khẩu đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm “cao hơn” mức thuế đối ứng vào một thời điểm trong tương lai.
Theo Bloomberg, quá trình đánh giá để tiến tới áp dụng thuế quan đối ứng có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới hoàn thành.
Ông Howard Lutnick, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, chia sẻ với truyền thông rằng tất cả các nghiên cứu sẽ phải hoàn thành trước ngày 1/4 và ông Trump có thể hành động ngay sau đó.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết thuế đối ứng sẽ được tuỳ chỉnh cho từng quốc gia, nhằm mục đích bù đắp các mức thuế mà mỗi nước đánh lên hàng hoá Mỹ cũng như các rào cản phi thuế quan khác như trợ cấp không công bằng, quy định, thuế giá trị gia tăng, tỷ giá hối đoái,...
Nhà Trắng chưa công bố văn bản chỉ thị của ông Trump. Trước đó, vị tổng thống từng đề cập đến các rào cản thương mại của Liên minh châu Âu, bao gồm thuế giá trị gia tăng, như một ví dụ về những gì Mỹ đang tìm cách ứng phó.
Quan chức Nhà Trắng phía trên chia sẻ ông Trump cũng từng nhắc đến Nhật Bản và Hàn Quốc, coi đây là những quốc gia đang lợi dụng Mỹ và do đó có thể là mục tiêu của chính sách thuế quan mới nhất.
Thuế quan đối ứng sẽ là động thái sâu rộng nhất của ông Trump nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và những gì ông mô tả là sự đối xử không công bằng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trên toàn cầu.
Nhà lãnh đạo 78 tuổi đã áp thuế quan bổ sung 10% lên hàng hoá Trung Quốc và chuẩn bị đánh thuế 25% lên tất cả các mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ vào tháng tới.
Tuy nhiên, quyết định không áp dụng thuế quan đối ứng ngay lập tức có thể được coi là một lời mời gọi đàm phán. Ông Trump đã sử dụng chiến lược tương tự để đạt được sự nhượng bộ từ Mexico, Canada và Colombia.
Theo lời vị quan chức Nhà Trắng, ông Trump hy vọng sẽ thảo luận với nhiều nước khác về các chính sách hiện hành đã tạo ra một hệ thống thương mại mất cân bằng. Ông Trump sẵn lòng hạ thuế quan nếu các nước muốn giảm bớt thuế quan hoặc xoá bỏ các rào cản thương mại.
Song, Tổng thống Trump lưu ý ông không dự định sẽ ban hành các miễn trừ. Ông cho biết trong cuộc thương chiến đầu tiên với Trung Quốc, Mỹ đã cấp miễn trừ cho Apple để hãng này có thể cạnh tranh với đối thủ Samsung Electronics.
Nhưng theo Bloomberg, lần này ông Trump khẳng định thuế quan đối ứng “áp dụng cho tất cả mọi người trên mọi phương diện”.
Dù tương lai xảy ra chuyện gì, chính sách thương mại của ông Trump đều đang gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chờ xem chính quyền ông Trump sẽ tiến hành áp thuế đối ứng như thế nào.
Theo Bloomberg Economics, thuế đối ứng được dự đoán sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế kém phát triển hơn, nơi mức thuế suất trung bình đối với hàng hoá Mỹ cao hơn.
Tổng thống Trump công bố động thái mới chỉ vài giờ trước khi ông chuẩn bị tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế quan đối ứng nhiều hơn các đối tác thương mại lớn khác. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ vì rào cản thuế quan cao của nước này.