|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp ồ ạt hủy kế hoạch phát hành cổ phần: Thị trường vốn yếu hay thương vụ kém hấp dẫn?

16:05 | 20/02/2025
Chia sẻ
Từ cuối 2024 đến đầu năm 2025, nhiều công ty quyết định tạm hoãn phương án chào bán cổ phiếu đã được đại hội cổ đông thông qua trước đó. Một số trường hợp cho biết lý do là thị trường chưa phù hợp trong khi số khác không nêu cụ thể nguyên nhân.

Hoãn chào bán hàng chục đến hàng trăm triệu cổ phiếu

Ngày 18/2, Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS) công bố quyết định của hội đồng quản trị (HĐQT) về điều chỉnh triển khai thực hiện phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Các phương án đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024 và Nghị quyết HĐQT số 5 ngày 23/5/2024.

Công ty chứng khoán cho biết sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 (8% bằng cổ phiếu) trước phương án chào bán thêm cổ phiếu.

Cùng với đó, VFS quyết định tạm dừng thực hiện phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Hội đồng quản trị cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh phương án và xin lại ý kiến cổ đông tại cuộc họp thường niên 2025.

Theo phương án, VFS dự kiến chào bán 120 triệu cp (tỷ lệ 1:1) ra công chúng, với giá 10.000 đồng/cp, dự thu tối đa 1.200 tỷ đồng. Thời gian chào bán dự kiến trong 2024 - 2025. Mục đích chào bán nhằm tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh VFS tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong hai năm liên tiếp 2023 và 2024. Năm 2024, doanh thu hoạt động đạt 279 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Doanh thu gần hoàn thành kế hoạch trong khi lợi nhuận vượt 1%. So với thực hiện 2023, doanh thu tăng 40% và lợi nhuận tăng 46%.

Trên thị trường, cổ phiếu VFS dao động tư 16.000 đồng/cp - 18.000 đồng/cp kể từ đầu năm (đến 20/2).

Cũng vừa mới đây, Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) công bố nghị quyết của HĐQT thông qua việc dừng triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Cụ thể, công ty dừng triển khai phương án chào bán 40,6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua (tỷ lệ 4:1).

Theo công ty bất động sản cho biết, việc dừng chào bán nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông do tình hình thị trường chưa phù hợp để thực hiện chào bán và đảm bảo tính khả thi của đợt phát hành. HĐQT sẽ xem xét và quyết định triển khai vào một thời điểm khác phù hợp.

Theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp. Số tiền hơn 406 tỷ đồng (dự kiến) huy động được sẽ sử dụng cho mục đích trả nợ vay ngân hàng, và/hoặc đầu tư góp vốn vào công ty con. Trong đó, 148 tỷ đồng sẽ dùng để trả nợ vay ngân hàng, 190 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH Western City, 68 tỷ đầu tư góp vốn vào CTCP Tư vấn AGI & HSR.

Năm 2024, An Gia ghi nhận 1.913 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 50% so với năm trước. Chi phí tài chính tăng và công ty còn ghi lỗ ở các hoạt động khác. Lợi nhận sau thuế giảm 43% về 261 tỷ đồng.

Tổng tài sản của An Gia tại thời điểm cuối năm 2024 ghi nhận hơn 7.000 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm. Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền nắm giữ ngắn hạn giảm 76%, còn hơn 197 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đạt 1.292 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến 20/2, cổ phiếu AGG chủ yếu dao động trong khoảng 15.000 - 17.000 đồng/cp.

 Ảnh minh họa: Dự án Lumiere Spring Bay. (Nguồn: An Gia).

Ngoài VFS và An Gia, nhiều trường hợp quyết định hoãn kế hoạch chào bán ghi nhận trong cuối năm 2024 như DIC Group (Mã: DIG), Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (Mã: NHA), Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) hay Vietravel (Mã: VTR).

DIC Group quyết định dừng việc phát hành 200 triệu cp ra công chúng với giá 15.000 đồng/cp (huy động 3.000 tỷ đồng). Theo công ty bất động sản, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông trong điều kiện chứng khoán không thuận lợi, HĐQT quyết định dừng việc triển khai và điều chỉnh kế hoạch thu xếp vốn bằng hình thức khác. Việc chào bán cổ phiếu lần này sẽ được dời sang thời điểm khác khi thị trường thuận lợi hơn.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Nam Hà Nội cũng thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu với lý do thay đổi phương án chào bán phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, kế hoạch huy động và sử dụng vốn.

Theo phương án ban đầu, NHA dự kiến chào bán 8,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tương đương 20% số cổ phần đang lưu hành với giá phát hành là 10.000 đồng/cp.

Cũng trong tháng 12/2024, Vietravel (Mã: VTR) công bố nghị quyết của HĐQT thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đã nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Mục đích tạm dừng phương án chào bán là để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo với nhu cầu thực tế của công ty. Vietravel cho biết sau khi có phương án mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho Ủy ban.

Trước đó, công ty có kế hoạch chào bán gần 28,7 triệu cp (tỷ lệ 1:1) với giá phát hành 12.000 đồng/cp.

Nếu hoàn tất chào bán, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 292 tỷ lên 579 tỷ đồng. Trong số 344 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, Vietravel dự kiến dùng 313 tỷ đồng để trả nợ đến hạn cho các ngân hàng, 31 tỷ đồng còn lại để trả lương cho người lao động .

Hay Đầu tư Hải Phát hồi tháng 9/2024 cũng thông báo về việc tạm dừng kế hoạch chào bán thêm 152,08 triệu cp cho cổ đông để huy động hơn 1.500 tỷ đồng. Theo phương án ban đầu, toàn bộ số tiền sẽ dùng để thanh toán gốc và lãi của các khoản nợ ngân hàng, trái phiếu.

Lý do Hải Phát đưa ra đưa ra là nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông do tình hình thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Ở khối ngân hàng, ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 11/2024 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (Mã: LPB) đã thông qua tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán thêm 800 triệu cp LPB cho cổ đông hiện hữu (huy động 8.000 tỷ đồng).

Lộc Phát cho biết ban lãnh đạo quyết định như trên căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của ngân hàng.

Cũng trong tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) công bố quyết định của HĐQT về dừng kế hoạch phát hành 882.353 cp riêng lẻ và 5 triệu cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ, song không nêu lý do.

Thị trường chứng khoán chưa diễn biến thuận lợi

Lý do được các công ty nêu nhiều nhất đến từ sự thiếu thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Quan sát giai đoạn quý I – quý II/2024, tức khi ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua các phương án chào bán, thanh khoản thị trường chứng khoán đã trở nên khởi sắc. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên sàn HOSE 6 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 21.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua nửa cuối năm, con số này suy yếu chỉ còn 15.600 tỷ đồng, thấp hơn 28%. Bất chấp việc gia tăng lên hơn 9 triệu tài khoản giao dịch tại cuối 2024, tình hình vẫn chưa tiến triển qua đầu năm 2025.

Thanh khoản bình quân phiên tính từ 1/1 đến 19/2 mới đạt 12.800 tỷ đồng. Điều này có thể lý giải do nhà đầu tư còn thận trọng trước những diễn biến mới của bối cảnh vĩ mô, kinh tế và tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán, hay định giá chưa đủ hấp dẫn.

 Thanh khoản của HOSE từ tháng 1/2024 đến tháng 1/2025. (Nguồn: X.N tổng hợp từ HOSE).

VN-Index đã tăng 12% trong năm 2024, song đến nay (20/2), vùng giá 1.300 điểm vẫn chưa được chinh phục thành công. Cùng với đó, đa phần cổ phiếu có xu hướng đi ngang suốt một thời gian dài nhiều tháng, thậm chí giảm giá, điển hình là nhóm bất động sản.

Việc nhiều doanh nghiệp hoãn/ngừng các kế hoạch chào bán cổ phiếu cũng đặt câu hỏi về sức hấp dẫn của kênh huy động vốn.

Một diễn biến đặc biệt trong 2024 là khối ngoại bán ròng kỷ lục. Trên HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 98.000 tỷ đồng trong năm qua, và tiếp tục xả ròng gần 13.000 tỷ đồng trong đầu năm nay (đến 19/2). Điều này cho thấy dòng tiền ngoại vẫn đang có xu hướng chảy vào các thị trường đầu tư khác có sức hút hơn.

Báo cáo hoạt động mới đây của Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường VinaCapital (VinaCapital-VESAF) cho biết trong tháng đầu năm, một số thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường bao gồm: áp lực về tỷ giá giảm bớt với việc tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1,5% trong tháng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao hơn kỳ vọng và các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV và cả năm 2024.

Những yếu tố này đã giúp cân bằng lại tâm lý thận trọng trên thị trường đến từ những bất ổn đang diễn ra trên thế giới.

Nhà quản lý quỹ nhấn mạnh trong đầu tháng 2, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức 8% trở lên trong năm 2025. Đáng chú ý, lần đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được giao cụ thể cho từng địa phương, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Phân tích mới đây của Lumen Vietnam Fund cho thấy năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến ​​sẽ có những cải thiện về chất lượng cùng với động lực tăng trưởng mạnh. Các yếu tố chính như tăng đầu tư công, cải tiến thị trường tài chính và môi trường chính sách ổn định sẽ là chất xúc tác quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng nền kinh tế. Năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, với tốc độ tăng trưởng ước tính là 17%, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn chưa có bước đột phá. Mặc dù khối lượng giao dịch trung bình năm 2024 tăng so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức tương đối khiêm tốn.

Tuy nhiên, với việc dự kiến đưa vào vận hành của hệ thống giao dịch KRX và các sản phẩm giao dịch mới như giao dịch trong ngày, thanh khoản thị trường dự kiến ​​sẽ được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Xuân Nghĩa