|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một công ty tài chính cắt giảm gần 90% nhân sự, lỗ kỷ lục trong năm 2024

08:39 | 20/02/2025
Chia sẻ
Trong năm 2024, số lượng nhân viên của VietCredit chỉ còn 181 người, giảm tới 1.146 người so với năm trước. Công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 152 tỷ đồng khi nhiều mảng kinh doanh lao dốc.

Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit - Mã: TIN) công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế 69 tỷ đồng, giảm 57,6% so với năm 2023. Tuy nhiên, nếu so với quý III/2024, công ty đã chuyển từ lỗ 36,5 tỷ đồng sang có lãi trong quý này.

Lũy kế cả năm, VietCredit ghi nhận khoản lỗ trước thuế 152 tỷ đồng, trong khi vào năm ngoái, công ty đạt lợi nhuận 25 tỷ đồng. 

Riêng trong quý IV, tổng thu nhập hoạt động của VietCredit đã giảm hơn 40%, xuống còn 328 tỷ đồng, chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm sút.

 Công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 152 tỷ đồng trong năm 2024.

Lãi thuần từ hoạt động khác đã tụt từ 405 tỷ đồng xuống 142 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 65%. Lãi thuần từ hoạt động khác bao gồm hoạt động bán các khoản nợ ngoại bảng được chủ động điều chỉnh giảm để phù hợp với hoạt động kinh doanh từng thời kỳ. 

Ngoài ra, quy mô lỗ từ hoạt động dịch vụ tiếp tục được tăng lên, từ khoản lỗ 6 tỷ đồng trong quý IV năm ngoái lên lỗ 18 tỷ đồng trong năm nay. Những mảng kinh doanh khác không đóng góp nhiều vào lợi nhuận của VietCredit. 

 

Những yếu tố trên khiến tổng thu nhập hoạt động quý IV giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chi phí hoạt động cũng giảm 28,4% nhưng lợi nhuận thuần của VietCredit vẫn giảm hơn 45% hay 175 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, sự sụt giảm thể hiện rõ trên bức tranh hoạt động của VietCredit. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 34,8% so với cùng kỳ ở mức 557 tỷ đồng, giảm sâu hơn so với mức giảm của chi phí dự phòng rủi ro (14,6%) khiến công ty tài chính này phải chịu lỗ 152 tỷ đồng. 

 

Tính đến cuối tháng 12, tổng tài sản của VietCredit đã tăng 19,2% so với đầu năm, lên 8.163 tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng cũng tăng 36,3%, lên gần 6.300 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía VietCredit, nguyên nhân do công ty đã mở rộng sản phẩm cho vay qua các nền tảng số như MoMo, Viettel Money, My Viettel… Tính đến cuối quý IV/2024, các sản phẩm số đóng góp 22% tổng dư nợ cho vay của công ty.

Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác đã tăng từ 1.600 tỷ đồng lên 3.042 tỷ đồng, tương ứng 90,1%. Trong khi đó, hoạt động phát hành giấy tờ có giá giảm 18,3%, xuống còn 2.301 tỷ đồng. 

Theo ghi nhận, số dư nợ xấu của công ty đã giảm từ 853 tỷ đồng cuối năm ngoái xuống 345 tỷ đồng đến cuối tháng 12, do đó tỷ lệ nợ xấu lùi từ 18,46% về 5,48%. Trong đó, số dư nợ nhóm 3 và nhóm 4 đều giảm lần lượt 63% và 70% trong năm 2024.

 

Đáng chú ý, công ty có sự thay đổi lớn về nhân sự trong năm 2024 khi số lượng nhân viên cuối năm qua chỉ còn 181 người, giảm 1.146 người, tương đương giảm hơn 86% so với năm trước. Theo đó, công ty đã cắt giảm hơn 19% chi phí hoạt động trong năm qua, khi hoàn thành việc tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy hoạt động để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. 

Cắt giảm nhân sự, do đó thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên VietCredit tăng từ 21,4 triệu đồng về 34 triệu đồng, tăng tương ứng 58,8%.

Minh Nguyệt

Sức ép giải ngân vốn đầu tư công 875.000 tỷ đồng năm 2025
Để tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên 8% trong năm 2025, nguồn lực đầu tư công được bố trí 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó và cao hơn khoảng 194.300 tỷ đồng so với năm 2024.