|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ bật tăng sau phiên giảm điểm, nguy cơ tăng thuế không đáng sợ?

11:24 | 26/04/2021
Chia sẻ
Dữ liệu lịch sử cho thấy nhà đầu tư không cần lo lắng về thị trường chứng khoán Mỹ khi chính phủ tăng thuế thặng dư vốn. Trong hai lần tăng thuế gần đây nhất, chứng khoán Mỹ đều lên cao trong 6 tháng tiếp theo.
Lý do chứng khoán Mỹ nhanh chóng vượt qua cơn sốc thuế thặng dư vốn - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Getty Images).

Chớp mặt một cái, đợt bán tháo chứng khoán Mỹ được cho là xảy ra do kế hoạch tăng thuế thặng dư vốn của ông Biden đã kết thúc.

Ngày 22/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt hơn 320 điểm, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 3. Ngay hôm sau, Dow Jones đã lấy lại phần lớn mất mát và quay về mốc 34.00 điểm. Tương tự, chỉ số S&P 500 giảm 0,9% vào ngày 22/4 rồi bật lên 1,1% ngay phiên giao dịch tiếp theo.

Nhiều người cho rằng đợt bán tháo chiều ngày 22/4 diễn ra là do thông tin Tổng thống Joe Biden sẽ đề xuất tăng thuế thặng dư vốn (thuế đánh vào lãi đầu tư chứng khoán) đối với những nhà đầu tư giàu nhất. 

Cụ thể, thuế suất có thể sẽ được nâng từ mức 20% hiện nay lên 39,6% với những người có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên. Nếu tính cả phụ thu thì thuế suất cao nhất có thể lên tới 43,4%, tờ Bloomberg lưu ý.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra thực tế đáng chú ý: lịch sử cho thấy thặng dư vốn chỉ có tác động nhỏ, không đáng kể lên tỷ suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán.

Theo ví dụ gần nhất năm 2013, thuế suất thuế thặng dư vốn tăng gần 9 điểm % nhưng chứng khoán Mỹ lại nhảy vọt 30% trong giai đoạn này, ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư quản lý tài sản toàn cầu tại UBS cho biết.

"Ngoài ra, chúng tôi không tìm thấy mối tương quan nào giữa thuế suất thuế thặng dư vốn và định giá chứng khoán. P/E đã từng ở mức thấp 10x khi thuế suất là 20% nhưng lại lên đến 18x khi thuế suất là 35%". 

"Rốt cuộc, các yếu tố khác như triển vọng tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ, lãi suất có tác động lớn hơn nhiều đối với lợi nhuận thị trường chứng khoán và định giá", trang MarketWatch dẫn lời ông Haefele viết trong một báo cáo. 

Giám đốc đầu tư Ryan Detrick của LPL Financial tổng hợp diễn biến của chỉ số S&P 500 sau 4 lần tăng thuế kể bắt đầu từ năm 1969. Dữ liệu cho thấy gần đây thị trường chứng khoán Mỹ đã không bị tổn hại bởi việc tăng thuế thặng dư vốn:

Tỷ suất lợi nhuận của S&P 500
Thời điểm thuế thặng dư vốn tăngThuế suất cũThuế suất mớiBa tháng trước đóBa tháng tiếp theo6 tháng tiếp theo12 tháng tiếp theo
1/1/201315%23,8%1,5%6,7%10,5%25,3%
1/1/198720%28%5,4%19,1%24%0,3%
4/10/197636,5%39,9%0,5%1,6%-5,6%-7,7%
30/12/196927,5%36,5%-1,6%-1,7%-20,4%-0,6%
Trung bình  1,4%6,4%2,1%4,3%
Trung vị  1%4,1%2,4%-0,2%

Ông Detrick viết trong lưu ý: "Khi mới nghe qua thì bạn sẽ nghĩ rằng thuế cao hơn sẽ là điều xấu, nhưng thực tế lại khác. Trong hai lần chính phủ nâng thuế thặng dư vốn vào năm 1987 và 2013, chứng khoán đã tăng điểm rất tốt trong 6 tháng tiếp theo".

Chứng khoán Mỹ sụt giảm sau hai đợt tăng thuế năm 1969 và 1976, do đó có vẻ như thuế cao hơn cũng không phải là tin tốt. Nhưng ông Detrick lưu ý rằng kinh tế Mỹ hoạt động kém trong năm 1969 và 1979 nhưng lại khỏe mạnh trong năm 1987 và 2013.

Ông Detrick tự tin rằng nền kinh tế mạnh và chính sách phù hợp từ Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ giúp thị trường vượt qua thuế suất cao một cách dễ dàng.

Ngoài ra còn có sự không chắc chắn từ phía Quốc hội. Hầu hết các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và cả một số thành viên Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ phản đối thuế suất tăng đến 39,6%. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán mức thuế mới sẽ chỉ vào khoảng 28%, theo tờ Market Watch

Điều này không có nghĩa là đề xuất tăng thuế sẽ không ảnh hưởng gì đến thị trường. Nếu thuế suất mới chỉ áp dụng với lãi kinh doanh chứng khoán từ ngày luật có hiệu lực, nhiều khả năng chứng khoán Mỹ sẽ xảy ra bán tháo trước khi luật được áp dụng.

Bà Callie Cox, chuyên gia cấp cao của Ally Invest cho biết: "Nếu đề xuất tăng thuế được phê chuẩn thành luật trong 2021, một số nhà đầu tư có thể mạnh tay bán ra vào cuối năm nay".

"Nhưng trong giai đoạn tăng trưởng cao như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ đón nhận việc thay đổi thuế thặng dư vốn dễ dàng hơn những rủi ro quan trọng khác như nguy cơ lạm phát hay Fed thay đổi chính sách".

Giám đốc đầu tư Haefele không đồng tình với nhận định trên: "Rất nhiều tin tốt đã được phản ánh vào giá của thị trường, do đó chứng khoán có thể dễ bị tổn thương trước những bất ngờ tiêu cực, ví dụ như tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến, lạm phát tăng hay sai lầm về chính sách. Do đó, kế hoạch tăng thuế của ông Biden có thể góp phần tạo ra biến động trong thời gian tới".

Nhưng bà Cox cho rằng phản ứng của thị trường là "diễn biến lành mạnh".

"Phiên giảm điểm mạnh vào tuần trước là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư không hào hứng quá mức và họ có cân nhắc về hiểm nguy trong tương lai gần. Tâm lý lo ngại này này có thể là trở ngại trong ngắn hạn, nhưng xét về lâu dài, mức độ sợ hãi vừa phải có thể giữ cho thị trường giá lên hiện nay sống sót".

Giang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.