Lá thư gửi cổ đông tuyệt hay của một banker: Warren Buffett và Bill Gates truyền tay nhau xem rồi khen tấm tắc
Một số chuyên gia tài chính gọi CEO Jamie Dimon của JPMorgan là "Warren Buffett tiếp theo" vì các nhận xét dí dỏm và sự nhạy bén trong việc đánh giá cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Lá thư gửi cổ đông năm 2008 của Dimon là lời kêu gọi thay đổi hùng hồn từ vị CEO của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Ngoài việc phân tích kết quả của JPMorgan trong năm 2007, lá thư nhắm đến mục tiêu lớn hơn: giải thích cuộc khủng hoảng đang xâm chiếm nền kinh tế số một thế giới.
"Trong 10 năm từ 1995 đến 2005, giá nhà ở Mỹ đã tăng 135%, vượt xa mức tăng bình thường và các chỉ tiêu truyền thống về khả năng chi trả. Một số người nghĩ mức tăng này là hợp lý, nhưng giờ chúng ta đã thấy rõ ràng là không".
"Các tiêu chuẩn phê duyệt khoản vay ngày càng bị hạ thấp lại càng thúc đẩy tình trạng đầu cơ và bong bóng trên thị trường. Rất nhiều sản phẩm thế chấp rủi ro cũng được phân phối rộng rãi thông qua hàng loạt loại chứng khoán, khiến rắc rối lan rộng thêm".
Năm 2021, những lời trên nghe có vẻ hiển nhiên. Nhưng 14 năm trước, khi "cơn bão khổng lồ bất ngờ ập xuống" Phố Wall, ít ai có thể nhìn thấu và giải thích nguyên nhân một cách ngắn gọn và thấu đáo như Dimon.
Lá thư của Dimon đặc biệt nhấn mạnh về hậu quả của đòn bẩy quá cao, xu hướng sử dụng nợ ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn của các ngân hàng và sự thất bại của các quy định quản lý, cụ thể là trong trường hợp của hai công ty cung cấp tài chính nhà ở lớn nhất Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae.
Lá thư cũng thể hiện sự quyết tâm – gần như đến mức ám ảnh - của Dimon trong việc duy trì bảng cân đối kế toán của JPMorgan "mạnh mẽ như pháo đài".
Tỷ lệ vốn an toàn của JPMorgan là lý do tại sao Dimon có thể thực hiện các thương vụ như mua lại Washington Mutual và Bear Stearns còn những ngân hàng khác thì không.
Dimon nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ phục hồi sau cuộc suy thoái, dù không ai biết trước thiệt hại lớn đến mức nào. Suy nghĩ của Dimon giống với niềm tin nhiệt thành của Warren Buffett về nước Mỹ.
Thư gửi cổ đông năm 2008 của Dimon được Warren Buffett hết lời ca ngợi: "Lá thư của cậu là cả một kiệt tác". Ông gửi bản sao cho người bạn thân thiết Bill Gates và cộng sự lâu năm Charlie Munger và tuyên bố hùng hồn: "Đây là lá thư gửi cổ đông tuyệt vời nhất tôi từng đọc". Cả Gates và Munger đều đồng ý và khen ngợi lá thư.
Chưa hết, trong cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway, Warren Buffett còn phân phát lá thư của Dimon cho 35.000 cổ đông tham dự sự kiện.
'Banker đích thực'
Warren Buffett từng nhận xét về Dimon: "Jamie là một banker đích thực".
Dimon xây dựng danh tiếng cho mình thông qua tài năng, nỗ lực và thành tích vượt trội. Ông bắt đầu với việc làm trợ lý cho "ông vua tư bản" Sandy Weill. Hai thầy trò Weill-Dimon phối hợp chặt chẽ để xây dựng một đế chế tài chính khổng lồ. Sau hàng chục năm, chuỗi M&A của hai người đã tạo dựng nên tập đoàn danh tiếng Citigroup.
Nhưng sau khi đã phụng sự người thầy lên đến đỉnh cao sự nghiệp, Dimon lại bị sa thải không thương tiếc năm 1998.
Là người luôn giữ lý trí, Dimon quyết định tập chơi boxing để giải tỏa cơn giận. Ông kể lại: "Tôi bị sa thải và thất nghiệp. Sau đó tôi tập luyện, đốt cháy cơn giận và năng lượng dư thừa".
Năm 2000, Dimon trở thành CEO của Bank One và vực dậy ngân hàng này từ khoản lỗ khổng lồ 500 triệu USD. Sau 4 năm, Bank One sáp nhập với JPMorgan và Dimon trở thành người chèo lái ngân hàng khổng lồ. Dimon đã đưa JPMorgan trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo quy mô tài sản, vượt qua Citigroup của người thầy cũ.
Năm 2008, chính phủ Mỹ phải nhờ cậy sự trợ giúp của Dimon với việc thuyết phục ông mua lại ngân hàng đầu tư Bearn Stearns. Lúc này, nhiều người ví Dimon với John Pierpont Morgan, huyền thoại tài chính đã giúp giải cứu hệ thống tài chính Mỹ năm 1907 và là người sáng lập ngân hàng JPMorgan, tờ ABC cho biết.
Dimon cũng nhận được những lời khen "có cánh" từ tổng thống Mỹ. Ông Obama từng nhận xét: "JPMorgan là một trong những ngân hàng được quản lý tốt nhất. Jamie Dimon, người đứng đầu JPMorgan, là một trong những banker thông minh nhất của chúng ta".
Jamie Dimon cũng vì vậy mà có biệt danh "banker ưa thích của tổng thống Mỹ".