Ông trùm Phố Wall kể về lần bị sa thải sau khi lập đại công
Khi Jamie Dimon còn là một chàng sinh viên mới chân ướt chân ráo tốt nghiệp đại học, ông nhận được lời mời làm trợ lí của Sandy Weill.
Lúc này Weill là Giám đốc vận hành của ông lớn American Express (AmEx). Dimon nhanh chóng nắm lấy cơ hội tiến thân. Tới khi Weill rời bỏ AmEx để xây dựng đế chế mới, Dimon cũng không ngần ngại đi theo người thầy của mình.
Trải qua bao sóng gió, cuối cùng Weill đã trở thành CEO của ngân hàng đầu tư Citigroup vào năm 1998. Dimon, cánh tay phải đắc lực của Weill, được đặt vào chức Giám đốc (President) của Citigroup.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi nhậm chức, Dimon bị sa thải bởi chính Weill, mặc dù cả hai đã lao tâm khổ tứ gây dựng sự nghiệp cùng nhau trong suốt 15 năm.
Dimon, nay đã 64 tuổi, hồi tưởng lại: "Khi bị sa thải khỏi Citigroup… Tôi rất sốc. Nhưng lẽ ra tôi không nên thấy ngạc nhiên. Có rất nhiều dấu hiệu nhận biết, nhưng tôi đã bỏ lỡ chúng".
Dù bị mất việc Dimon nói rằng khi đó ông vẫn "ổn", vì biết rằng "thứ bị ảnh hưởng chỉ là giá trị tiền bạc, chứ không phải giá trị bản thân".
Theo CNBC, điều Dimon thấy tiếc nhất là sự gắn kết khi làm việc trong một nhóm. "Tôi nhớ cảm giác bước chân vào văn phòng và có người để nói chuyện cùng, có vấn đề cần phải giải quyết", ông Dimon nói.
"Tôi nhớ các chiến dịch lớn - cảm giác mình chiến đấu vì một điều gì đó. Tôi từng có mục tiêu muốn giành được cùng với đồng đội của mình. Bất cứ ai từng chơi một môn thể thao đồng đội đều hiểu cảm giác đó như thế nào… Trên thế giới không thể nào có cảm giác tương tự".
Dimon, người "từ chỗ làm việc 80 giờ/tuần giảm xuống còn 0 giờ/tuần", sử dụng thời gian để tìm ra kiểu mẫu nhà lãnh đạo ông muốn trở thành trong vai trò tiếp theo. Ông đọc tiểu sử của các nhà lãnh đạo quốc gia và tập quyền anh để giảm bớt căng thẳng.
Dimon nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại David Rubenstein tại một hội nghị năm 2019: "Người ta nói rằng mỗi người đều có hạn sử dụng", vậy nên ông "lắng nghe mọi cuộc gọi đến".
"Bất cứ công việc nào cũng là việc. Khi đó tôi cảm thấy hơi bồn chồn. Tôi không thể lấp đầy thời gian của mình".
Dimon phỏng vấn cho hàng loạt vị trí tại các công ty như Home Depot và Amazon. Dimon nghĩ rằng Jeff Bezos "có cơ hội thực sự để xây dựng điều gì đó" to lớn.
Tuy nhiên, đầu quân cho Amazon "vẫn là một bước ngoặt quá lớn đối với tôi. Tôi đã dành cả cuộc đời mình trong ngành dịch vụ tài chính. Do đó tôi quyết định mình nên tìm kiếm công việc nào đó trong ngành tài chính", Dimon giải thích.
Năm 2000, Dimon trở thành CEO của ngân hàng Bank One có trụ sở tại Chicago và rất nóng lòng để vực dậy ngân hàng này. Theo Harvard Business Review, năm 2000, Bank One báo cáo khoản lỗ 511 triệu USD. Chỉ ba năm sau khi Dimon tiếp quản ghế nóng, Bank One đạt được lợi nhuận kỉ lục 3,5 tỉ USD.
Năm 2004, JPMorgan Chase mua lại Bank One. Năm 2005, Dimon trở thành CEO của JPMorgan Chase.
"Trong quá khứ, tôi không biết trở thành CEO có ý nghĩa như thế nào. Hiện tại, tôi cũng không nghĩ trở thành CEO nên là mục tiêu của ai đó", ông Dimon nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7/2020.
"Sự nghiệp của tôi không hoàn hảo. Con người không hoàn hảo. Tổ chức không hoàn hảo. Vị trí CEO là một thách thức lớn đối với tôi lúc bấy giờ - sự cạnh tranh, con người, những gì đang diễn ra. Nhưng đó là những thứ làm tôi thấy phấn khích. Tôi thấy nhớ các thách thức trí tuệ".
Năm 2010, Weill nói với tờ The New York Times rằng Dimon từng muốn trở thành CEO của Citigroup nhưng lúc đó Weill chưa muốn nghỉ hưu. Năm 2014, Weill bớt gay gắt hơn về chủ đề sa thải người học trò của mình là Dimon: "Giá mà Jamie và tôi có thể giải quyết được vấn đề và không phải kết thúc bằng việc đường ai nấy đi".
Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Jamie Dimon hiện là 1,3 tỉ USD.