Từng gắn bó 25 năm như thầy và trò, bỗng một ngày số phận để hai CEO ngân hàng lớn nhất Mỹ trở thành đối thủ
Hồi trước tháng 11/1998, Jamie Dimon là Giám đốc tài chính của tập đoàn ngân hàng Citigroup.
Jamie quản lí các giám đốc tài chính của ngân hàng con. Một giám đốc trong số họ là Charlie Scharf, người phụ trách hoạt động tài chính của Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư trực thuộc Citigroup.
Mối quan hệ thầy - trò khăng khít trong 25 năm
Tháng 11/1998, Jamie sang Bank One, ngân hàng lớn thứ 5 ở Mỹ, để nắm vị trí Tổng giám đốc vào tháng 3/2000. Dù là ngôi sao đang lên của Citigroup ở tuổi 37, Charlie vẫn đi theo Jamie sang Bank One. Với công việc mới, ông nhận mức lương và đãi ngộ thấp hơn nhiều.
"Đó không phải là sự lựa chọn. Tôi chỉ theo nhà lãnh đạo xuất sắc nhất mà tôi từng thấy", Charlie tâm sự về quyết định rời Citigroup khi sự nghiệp đang thăng hoa.
Charlie Scharf, Tổng giám đốc ngân hàng Wells Fargo. Ảnh: FT
Jamie về Bank One đúng lúc ngân hàng này đang sa sút và nhiệm vụ của ông là giúp nó quay trở lại thời kì hoàng kim. Hồi ấy, tình trạng của Bank One bi đát đến nỗi giới đầu tư Phố Wall không tin nó có thể gượng dậy. Nhưng Jamie chứng minh rằng họ đã lầm.
Năm 2004, tập đoàn JPMorgan Chase mua Bank One. Một năm sau, Jamie trở thành tổng giám đốc JPMorgan Chase. Năm 2006, ông nắm nốt chức chủ tịch tập đoàn. Đương nhiên, Charlie cùng hàng loạt "đệ tử" của Jamie cũng nắm những vị trí điều hành cao cấp trong JPMorgan Chase.
17 năm sau, số phận đưa Charlie vào vị thế đối đầu với người thầy mà ông đã gắn bó và học hỏi trong suốt 1/4 thế kỉ khi ông nhận chức Tổng giám đốc tập đoàn tài chính Wells Fargo.
Charlie không phải người duy nhất trong nhóm cộng sự của Jamie Dimon rời khỏi thầy và trở thành đối thủ. Jes Staley và Bill Winter cũng rời khỏi "sư phụ" để lần lượt dẫn dắt ngân hàng Barclays và Standard Chartered, còn Frank Bisignano làm giám đốc xử lí thanh toán của công ty First Data.
Song, với vai trò thuyền trưởng ở Wells Fargo, Charlie là môn đồ đầu tiên của Jamie trở thành đối thủ trực tiếp của thầy.
Jamie Dimon, người dẫn dắt Charlie Scharf suốt 25 năm trước khi hai người trở thành đối thủ trực tiếp. Ảnh: The Daily Beast
Để thành công, Charlie cần phải vận dụng mọi kĩ năng và bài học mà ông rút ra từ Jamie để hồi sinh Wells Fargo, một trong những nhiệm vụ khó nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ.
Charlie Scharf đối mặt kịch bản giống hệt "sư phụ"
Chỉ trong 3 năm qua, Wells Fargo đã tuột dốc không phanh. Từ chỗ là ngân hàng cẩn thận và quản trị tốt nhất trong số 4 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, Wells Fargo trở thành biểu tượng của sự sa sút. Trong khi đó, 3 ngân hàng còn lại trong nhóm "tứ đại gia" - gồm Bank of America, J.P. Morgan Chase và Citigroup - vẫn phát triển ổn định.
3 thách thức chính của Charlie bao gồm: giành sự ủng hộ của các cơ quan quản lí, khôi phục tiếng tăm của Wells Fargo với khách hàng, đưa bộ máy vận hành trở lại thời hoàng kim.
Văn hóa doanh nghiệp độc hại là một trong những lí do khiến Wells Fargo sa sút. Trước đây, ban lãnh đạo có chính sách thưởng cho những nhân viên kinh doanh có khả năng thuyết phục khách hàng mua những sản phẩm, dịch vụ mà họ không muốn hoặc cần.
Nhiều nhân viên kinh doanh dùng mọi thủ đoạn để khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ để lấy phần thưởng, trong khi ban lãnh đạo không thể phát hiện những chiêu trò của nhân viên kinh doanh.
Bê bối bùng phát vào tháng 9/2016, khi ban lãnh đạo Wells Fargo phát hiện nhiều giám đốc chi nhánh và nhân viên kinh doanh mở 3,5 triệu tài khoản cho khách hàng nhưng không hề thông báo cho khách biết việc đó. Họ "mở chui" tài khoản để nhận tiền thưởng.
Ban đầu, những nhà quản lí cấp thấp cố gắng trừng phạt những người tiết lộ thông tin, trong khi ban lãnh đạo cấp cao lại xử lí rất chậm chập. Hâu quả là John Stumpf, tổng giám đốc hồi đó, phải ra đi sau một tháng để nhường chỗ cho Tim Sloan.
Vụ bê bối khiến tốc độ tăng trưởng tài khoản mới giảm mạnh, và Wells Fargo đối mặt với những đơn kiện của nhân viên và cổ đông với yêu cầu bồi thường lên tới vài tỉ USD. Mặc dù vậy, những hành vi phi pháp liên quan tới khách hàng vẫn tiếp diễn.
Hồi tháng 7/2017, Wells Fargo phải xin lỗi vì đã tính phí bảo hiểm xe hơi cho khoảng 570.000 khách hàng dù họ không thực sự cần. Vài tháng sau, tập đoàn thừa nhận họ đã tính phí trái phép đối với 110.000 khách hàng vay thế chấp. Trong tháng tiếp theo, Bộ Tư pháp Mỹ phạt Wells Fargo vì mua ô tô từ quân nhân.
Cú sốc lớn nhất xảy ra vào tháng 2/2018, khi Cục Dự trữ liên bang ra lệnh phong tỏa 2.000 tỉ USD của Wells Fargo do tình trạng vi phạm luật pháp tràn lan. Quyết định ấy khiến tăng trưởng của tập đoàn chững lại và họ liên tục thay 4 tổng giám đốc. Cục Dự trữ liên bang tuyên bố họ chỉ hủy lệnh phong tỏa tài sản khi tập đoàn ngừng vi phạm.