Lúc bế tắc, Warren Buffett tìm lời khuyên của ai?
Jamie Dimon không nổi tiếng bằng Warren Buffett và các buổi họp cổ đông của JPMorgan cũng không hoành tráng như Berkshire Hathaway. Nhưng giống như Warren Buffett, Dimon cũng sử dụng thư gửi cổ đông để bàn luận về cách tốt nhất để quản lý doanh nghiệp và cụ thể là ngân hàng.
Warren Buffett nhiều lần khen ngợi các lá thư "tuyệt vời" của Dimon. Ông gọi lá thư gửi cổ đông đầu tiên Dimon viết vào năm 2001 tại Bank One (ngân hàng sau đó sáp nhập với JPMorgan) là "điều tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy". Dimon, người từ lâu đã ngưỡng mộ nhà hiền triết xứ Omaha, tự hào đến mức ông cho đóng khung bản sao lời chúc mừng từ Warren Buffett và treo ở văn phòng.
Đây không phải lần duy nhất Dimon khiến Warren Buffett phải trầm trồ. Lá thư năm 2008 của Dimon trên cương vị CEO của JPMorgan đã thôi thúc Warren Buffett gửi cho ông những lời ca ngợi sau: "Jamie, cậu đã vượt qua chính mình, lá thư của cậu là kiệt tác".
Warren Buffett thậm chí còn xin phép chia sẻ lá thư của Dimon tại buổi họp cổ đông của Berkshire Hathaway. Ông cũng gửi các bản sao tới người bạn Bill Gates và cộng sự Charlie Munger. Cả hai đều đồng ý rằng đó là thư gửi cổ đông tuyệt vời nhất họ từng đọc.
Dưới đây là 6 bài học hay nhất từ Dimon dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp, theo CNBC.
1. Thành thật về rủi ro mà doanh nghiệp đối mặt
Phần lớn danh tiếng về những lá thư gửi cổ đông tuyệt vời của Jamie Dimon đến từ phiên bản tháng 3/2007, một phần của báo cáo thường niên năm 2006. Trong đó, Dimon cảnh báo rằng sự bùng nổ của thị trường nhà đất có lẽ đang sắp chững lại.
"Trong thế giới dịch vụ tài chính, các ngân hàng rất dễ tăng trưởng bằng cách giảm tiêu chuẩn xét duyệt khoản vay hay nhận lấy thêm nhiều rủi ro. Ví dụ, năm ngoái JPMorgan đã từ chối phê duyệt các khoản thế chấp theo lãi suất điều chỉnh. Việc này có thể đã khiến lợi nhuận năm 2006 thấp đi đôi chút, nhưng chúng tôi tin đây là quyết định đúng đắn cho ngân hàng".
Dimon cũng nêu rõ một số hành động khác, như bán mọi khoản thế chấp dưới chuẩn của ngân hàng phát sinh trong năm 2006. Thông điệp ông muốn truyền tải: JPMorgan phát hiện một rắc rối mà các đối thủ khác lờ đi, và ông đang cố gắng chuẩn bị đối phó.
2. Đừng đặt mọi hy vọng vào các thương vụ
Dimon nhấn mạnh với các cổ đông rằng hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất của JPMorgan là được phát triển từ nội bộ chứ không phải thông qua M&A. Trong lá thư năm 2014, Dimon nhấn mạnh sự mở rộng của lĩnh vực ngân hàng tư nhân và thẻ tín dụng của JPMorgan. Ông đã chỉ đạo JPMorgan đầu tư rất nhiều vào hai lĩnh vực này sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Hầu hết tăng trưởng của chúng tôi đều là tự thân. Chúng tôi đã thành công như vậy trong một thập kỷ - và cơ hội có rất nhiều".
3. Đi ngược với đám đông
Dimon cố ý dùng các lá thư gửi cổ đông để nhấn mạnh cái mà ông cho là phong cách đi ngược với đám đông của JPMorgan. Ví dụ chính của ông là việc JPMorgan ngờ vực cơn sốt nhà đất trước khi thị trường sụp đổ.
Một trường hợp khác là việc JPMorgan đầu tư mạnh tay vào mảng tiêu dùng dù lãi suất giảm mạnh sau năm 2008 khiến cho khả năng sinh lời ngắn hạn của lĩnh vực này đi xuống.
4. Tập trung vào giá trị thay vì giá cổ phiếu
Dimon dành một phần dài của báo cáo năm 2014 để phân tích giá cổ phiếu trì trệ của ngân hàng. Ông giải thích: Vấn đề là nhà đầu tư trả hệ số giá thấp cho cổ phiếu JPMorgan, một phần do lo ngại xoay quanh các quy định quản lý. Dưới đây là lời giải thích mối liên hệ giữa giá cổ phiếu và thành tích hoạt động của ngân hàng của Dimon:
"Chúng tôi không cố kiểm soát chỉ số P/E tạm thời – vấn đề nhỏ không nên quyết định tình hình bao quát. Điều này không có nghĩa là chúng tôi không lắng nghe những gì nhà đầu tư nói, mà chỉ đơn giản là không phản ứng thái quá trước bình luận của họ, đặc biệt là khi những nhận định đó phản ánh yếu tố tạm thời".
"Về lâu dài, Quý ngài Thị trường là người phán xét đúng đắn nhất về thành tích của một doanh nghiệp, nhưng ông ta không hẳn là người giỏi đánh giá trong ngắn hạn. Một thước đo giá trị nhất quán hơn là giá trị sổ sách của tài sản hữu hình… Trên thực tế, chúng tôi cho rằng khi Quý ngài Thị trường rầu rĩ thì đó có thể là thời điểm tốt để mua cổ phiếu quỹ".
5. Chia sẻ ánh hào quang
Một trong những thói quen của Dimon là để cho người đứng đầu các bộ phận của JPMorgan tự viết các lá thư gửi cổ đông của riêng họ. 5 cấp dưới của Dimon viết 21 trang trong báo cáo tài chính năm 2016 của JPMorgan, bao gồm các chủ đề như ngân hàng tiêu dùng, ngân hàng thương mại, đầu tư, quản lý tài sản và trách nhiệm của doanh nghiệp.
6. Lời khuyên 'hợp gu' Warren Buffett nhất
"Suy nghĩ như nhà đầu tư dài hạn, quản lý như một nhà điều hành", Dimon viết năm 2015.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là suy nghĩ như một nhà đầu tư dài hạn - xây dựng các cơ sở nhượng quyền lớn, củng cố hào kinh tế sẵn có và tạo ra kết quả tài chính tốt trong suốt chu kỳ. Đạt được lợi thế nhờ quy mô và loại bỏ các yếu tố tiêu cực. Phát triển các chiến lược dài hạn tuyệt vời và khả thi. Và quản lý công việc kinh doanh không ngừng, giống như một nhà điều hành tài ba".
"Cuối cùng là liên tục phát triển khả năng quản lý xuất sắc để không ngừng tiến lên. Cũng giống như Thomas Edison đã nói 'Tầm nhìn không đi cùng với hành động chỉ là ảo tưởng'".