|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn: Gelex và Viglacera sẽ phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp

13:10 | 18/06/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Gelex và Viglacera sẽ không chỉ phát triển khu công nghiệp (KCN) đơn thuần mà sẽ phát triển cả hệ sinh thái KCN, bao gồm việc cung cấp điện, nước và nhà ở giá rẻ cho công nhân viên.
Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn nói về tương lai sau sáp nhập Viglacera - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên của Gelex tổ chức sáng 18/6/2020. Ảnh: Đức Quyền.

Tại đại hội cổ đông của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) tổ chức sáng nay 18/6, cổ đông đã biểu quyết thông qua kế hoạch mua và sở hữu chi phối 51% cổ phần Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC).

Hiện nay, Gelex và công ty con đang sở hữu tổng cộng 24,97% vốn điều lệ của Viglacera, là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Gelex đồng thời là Chủ tịch Viglacera.

Nói về định hướng hoạt động của Gelex và Viglacera sau khi "về chung một nhà", ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu Gelex và Viglacera sẽ trở thành tổ hợp phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam và bỏ xa các đối thủ khác.

"Viglacera hiện nay có 12 KCN với tổng quĩ đất khoảng hơn 5.000 ha ở phía bắc. Gelex sẽ cùng với Viglacera tiến vào phía nam. Chúng tôi sẽ mua các KCN ở Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai sau đó cho Viglacera phát triển.", ông Tuấn chia sẻ với cổ đông.

Theo Chủ tịch Gelex, hiện nay Viglacera mới chỉ đầu tư KCN đơn thuần. Trong thời gian tới với sự tham gia sâu hơn của Gelex, hai bên sẽ phát triển cả "hệ sinh thái KCN".

"Viglacera và Gelex sẽ hình thành một hệ sinh thái, ngoài phát triển và vận hành KCN sẽ còn cung cấp điện, nước cho các KCN này và xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân", ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

Dự kiến trong năm 2020, Gelex và Viglacera sẽ xây dựng một hệ thống nhà kho có tổng diện tích 20 ha tại các KCN có quĩ đất đang dư của Viglacera để cho thuê. Ông Tuấn cho biết "Gelex đã mua KCN Long Sơn ở Vũng Tàu" để cùng phát triển với Viglacera.

Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn: Gelex và Viglacera sẽ phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp - Ảnh 2.

Gelex mua lại CTCP Đầu tư khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (Mã: PXL). Ảnh: Đức Quyền.

Trong lĩnh vực nước sạch, Gelex sở hữu công ty con là CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Mã: VCW). Năm 2019, VCW đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành phân kì 1 dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, giai đoạn 2, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.

Trong lĩnh vực năng lượng, Gelex đang sở hữu nhiều dự án điện bao gồm cả thủy điện, điện mặt trời và điện gió như Thủy điện Sông Bung 4A, công suất 49MW; Thủy điện Canan 1-2, tổng công suất 23MW; Điện mặt trời Ninh Thuận (49MW) đã hoàn thành và phát điện thương phẩm; Điện gió Gelex 1, 2, 3 tại Quảng Trị (90MW); Điện gió Hướng Phùng 2 (20MW), Hướng Phùng 3 (30MW).

Gelex cho biết công ty đang nghiên cứu, phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các KCN, nhà máy của Cadivi, Viglacera và các đối tác của Gelex với công suất dự kiến khoảng 22MW.

Trong năm 2020, ngoài kế hoạch mua lại Viglacera, Gelex còn dự định mua lại Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh (Mã: TBD).

Trước băn khoăn của cổ đông về nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch trong năm 2020, một lãnh đạo khác của Gelex cho biết nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng năm nay là khoảng 4.000 tỉ đồng và vốn cho M&A là trên 2.000 tỉ đồng.

"Đối với mảng hạ tầng, phần lớn nguồn vốn là các khoản vay thương mại, Tổng công ty hỗ trợ công ty con thu xếp.

"Với các dự án của Sông Đà, Vietcombank tài trợ khoảng 85% tổng vốn đầu tư. Với các dự án điện gió ở Quảng Trị, cả BIDV và VietinBank đều đã cam kết tài trợ khoảng trên 70% tổng vốn đầu tư. Về cơ bản các nguồn vốn phục vụ đầu tư tài sản cố định (capex) đã được đảm bảo.

"Với hoạt động M&A, nguồn vốn khoảng trên 2.000 tỉ đồng sẽ đến từ thoái vốn mảng logistics, Cảng Đồng Nai (PDN) và lợi nhuận giữ lại của công ty", lãnh đạo Gelex cho biết.

Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn: Gelex và Viglacera sẽ phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp - Ảnh 3.

Ảnh: gelex.vn; Đồ họa: Alex Chu.

Gelex có kế hoạch mua cổ phần chi phối Viglacera trong năm 2019 nhưng không thành công. Ban lãnh đạo công ty quyết tâm hoàn thành mục tiêu này trong năm nay để có thể hợp nhất kết quả kinh doanh Viglacera vào Gelex trong quí IV.

Gelex dự tính doanh thu năm 2020 có thể đạt 19.600 tỉ đồng nếu hợp nhất Viglacera hoặc 17.500 tỉ đồng nếu không hợp nhất. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 975 tỉ đồng nếu hợp nhất và 735 tỉ đồng trong trường hợp còn lại.

Chênh lệch mục tiêu lợi nhuận trong hai trường hợp là khoảng 240 tỉ đồng. Chủ tịch Gelex cho biết: "Năm nay Viglacera đặt mục tiêu lãi trước thuế 900 tỉ đồng nên nếu hợp nhất kết quả kinh doanh một quí thì Gelex sẽ lãi thêm khoảng hơn 200 tỉ đồng".

Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Gelex dự tính sẽ mua và làm chủ đầu tư 4 KCN rồi để cho Viglacera làm đơn vị phát triển.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.