Gelex rục rịch thâu tóm PXL
Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex vốn là một công ty con của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã: GEX). Trước đó, Tổng công ty Gelex đã nắm giữ 3,3 triệu cổ phần của PXL, chiếm tỉ lệ sở hữu 3,95%. Như vậy, sau giao dịch này, nhóm Gelex đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của PXL với tổng tỉ lệ sở hữu lên tới 23,01% vốn điều lệ.
Hoạt động mua vào cổ phiếu của Gelex diễn ra trong thời điểm cơ cấu cổ đông của PXL đang có nhiều biến động. Mới đây, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã: PVX) vừa đăng kí bán toàn bộ hơn 13,26 triệu cổ phiếu của PXL, tương đương 16,06% vốn điều lệ của công ty.
Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc PXL, ông Lê Công Trung đã đăng kí mua 15 triệu cổ phiếu PXL. Phương thức giao dịch dự kiến là khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 3/6 đến ngày 3/7.
PXL tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Khu Công Nghiệp Dầu khí IDICO - Long sơn (PIVLS-tên giao dịch cũ) được thành lập ngày 9/8/2007 theo giấp phép đăng ký kinh doanh số 3500811001 do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp và đã được Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp lại giấp phép đăng ký kinh doanh vào ngày 14/7/2011 với tên giao dịch mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL).
PXL được biết đến là doanh nghiệp thực hiện dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn với diện tích 850 ha tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư trên 1600 tỉ đồng. Đây là dự án đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất với Tỉnh Bà Rịa Vũng từ năm 2007. Tuy nhiên, dự án kéo dài cho đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Về định hướng phát triển của Gelex, hiện công ty đang đặt mục tiêu phát triển trọng tâm hai lĩnh vực chính bao gồm sản xuất khu công nghiệp và nhóm hạ tầng. Do vậy, không ngạc nhiên khi Gelex tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp khu công nghiệp như PXL.
Trước đó, Gelex muốn mua thêm cổ phiếu VGC để gia tăng tỉ lệ nắm giữ tại Viglacera và đã lên kế hoạch kinh doanh theo phương án hợp nhất Viglacera vào hoạt động của mình, đặc biệt là mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp. Hiện Gelex đang sở hữu tổng cộng 24,97% vốn điều lệ của Viglacera và là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, Gelex đang lên kế hoạch phối hợp với Viglacera trong việc phát triển kinh doanh khu công nghiệp và các hạ tầng phụ trợ, chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100 ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600 ha).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/6, cổ phiếu PXL đạt mức 10.200 đồng/CP, đây cũng là vùng giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.