|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gelex dự mua thêm cổ phần chi phối Viglacera, phối hợp phát triển BĐS khu công nghiệp

15:39 | 08/06/2020
Chia sẻ
Gelex muốn mua thêm cổ phiếu VGC để gia tăng tỉ lệ nắm giữ tại Viglacera và đã lên kế hoạch kinh doanh theo phương án hợp nhất Viglacera vào hoạt động của mình, đặc biệt là mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Gelex dự mua thêm cổ phần chi phối Viglacera, phối hợp phát triển BĐS khu công nghiệp - Ảnh 1.

Trụ sở Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) tại Hà Nội. Ảnh: Đức Quyền.

Gia tăng sở hữu tại Viglacera

Ngày 18/6 tới đây, Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Theo tài liệu công bố trước đại hội, Gelex đặt kế hoạch sẽ hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang thực hiện của tổng công ty và các đơn vị thành viên trong hệ thống, cụ thể:

Mua để sở hữu cổ phần chi phối Tổng Công ty Viglacera – CTCP và Tổng công ty Thiết bị điện Đông anh – CTCP (Mã: TBD); Mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT; Thoái vốn khỏi lĩnh vực logistics thông qua bán phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics nhằm thu xếp nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư, mua cổ phần Viglacera (Mã: VGC).

Hiện nay, Gelex đang sở hữu tổng cộng 24,97% vốn điều lệ của Viglacera, là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Gelex đồng thời là Chủ tịch Viglacera.

Kết phiên giao dịch hôm nay 8/6, giá cổ phiếu VGC và GEX tăng lần lượt 0,3% và 2,9%.

Gelex còn lên kế hoạch phối hợp với Viglacera trong việc phát triển kinh doanh khu công nghiệp và các hạ tầng phụ trợ. Một kế hoạch khác trong năm nay là chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100 ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600 ha).

Đối với khối hạ tầng phát điện, Gelex đặt mục tiêu đầu tư các dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị với tổng công suất 140 MW và dự kiến hoàn thành phát điện trước tháng 10/2021; Hoàn thành đầu tư xong 22 MW điện mặt trời áp mái trước 31/12/2020;

Bổ sung vào Quy hoạch điện VIII các dự án: Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gó Đak-lak (200 MW); Điện mặt trời Bù Gia Mập – Tây Ninh (85 MW), Điện mặt trời Bình Phước 1, 2 (480 MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800 MW). Gelex hướng tới kinh doanh điện cung cấp cho các khu công nghiệp.

Đối với nhóm hạ tầng nước sạch, Gelex dự kiến tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh nước sạch gắn với các khu công nghiệp hiện có trong hệ thống.

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi

Về chỉ tiêu tài chính cụ thể, Gelex dự tính doanh thu năm nay đạt 19.600 tỉ đồng nếu hợp nhất Viglacera hoặc 17.500 tỉ đồng nếu không hợp nhất. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 975 tỉ đồng nếu hợp nhất Viglacera và 735 tỉ đồng trong trường hợp còn lại.

Năm 2019, Gelex đạt doanh thu thuần hợp nhất 15.315 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.102 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp hơn thực hiện năm ngoái.

Gelex cho biết kế hoạch kinh doanh trong phương án hợp nhất Viglacera nêu trên được xây dựng trên giả định bắt đầu hợp nhất từ quí IV/2020. Yếu tố chi phí vốn phục vụ sáp nhập (M&A) tăng cao trong khi kết quả kinh doanh từ Viglacera chỉ được hợp nhất một quí của năm nay, chi phí khấu hao và lãi vay của các dự án mở rộng đầu tư đã hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận trước thuế của công ty.

Nhận định thêm về khó khăn trong năm 2020, Gelex cho biết kinh tế thế giới gặp rất nhiều biến động, các nền kinh tế lớn đồng loạt giảm tốc vì cuộc chiến thương mại cũng như Brexit.

Ngoài ra, dịch COVID-19 tác động tới cả cung và cầu sản phẩm, ảnh hưởng chuỗi giá trị hàng hóa trên cả thế giới và diễn biến rất khó lường. Ban Lãnh đạo Gelex cho rằng dịch bệnh có tác động không lớn đến các ngành kinh doanh của công ty, ngoại trừ ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng do sự sụt giảm nhu cầu thị trường.

Đức Quyền