Thủ tướng ý kiến về DN Thái Lan thâu tóm hơn chục dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc báo chí phản ánh Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thâu tóm 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước, bao gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 tại khu vực biên giới với Campuchia.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lí phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
Thực tế, Super Energy không chỉ thâu tóm 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước; mà từ giữa năm 2018 đến nay, công ty Thái Lan đã thực hiện mua lại cổ phần và đầu tư vào 14 dự án điện tái tạo ở Việt Nam (bao gồm cả điện mặt trời và điện gió) trải dài tại khu vực phía Nam. Hiện 6 dự án của công ty này đã đi vào vận hành thương mại.
Điều đáng nói, đây đều là các giao dịch mua lại từ nhà đầu tư trong nước, nhiều dự án sau khi được cấp phép đầu tư đã chuyển nhượng lại khi còn đang trên giấy.
Giới đầu tư điện mặt trời trong nước đặt câu hỏi, nếu không đủ năng lực để triển khai dự án vì sao không chuyển nhượng trong nước mà bán cho nước ngoài?
Theo tìm hiểu của người viết, Super Energy đã đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, bao gồm: điện mặt trời Phan Lâm 1 (37 MW), Bình An (50 MW), Sinenergy Ninh Thuận (50 MW), Văn Giáo 1 (50 MW), Văn Giáo 2 (50 MW), điện gió HBRE Gia Lai (50 MW), điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (50 MW), điện gió HBRE Phú Yên (200 MW), điện gió Công Lý Sóc Trăng (30 MW), điện gió Công Lý Bạc Liêu (142 MW), và 4 dự án Lộc Ninh như đã đề cập.