|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ kỉ lục giải Sao Khuê 2020 đến khát vọng công nghệ sánh bước cùng thế giới của Viettel

10:00 | 11/06/2020
Chia sẻ
Được vinh danh với kỷ lục 21 giải Sao Khuê năm 2020 (với 2 sản phẩm lọt vào TOP 10) phản ánh khát vọng mãnh liệt của Tập đoàn Viettel trong việc làm chủ nhiều công nghệ 4.0 và sánh bước cùng thế giới.

Tự phá kỉ lục về giải thưởng của chính mình

Trong số 102 doanh nghiệp tham gia đề cử sản phẩm, Viettel là đơn vị có nhiều sản phẩm được vinh danh ở giải thưởng này với số lượng được vinh danh là 21/112. Như vậy, trong năm 2020, Viettel vượt qua chính mình một năm trước. Năm 2019, Viettel cũng đứng đầu danh sách khi 12 lần được xướng tên trên tổng số 94 sản phẩm.

Các giải pháp của Viettel được ghi nhận trong năm nay trải rộng trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như Chính phủ điện tử, viễn thông, bảo mật, công nghệ mới trong công cuộc cách mạng 4.0… phục vụ cho khách hàng từ cá nhân, doanh nghiệp, đến tổ chức Chính phủ.

Đơn cử như ở lĩnh vực Chính phủ điện tử, hệ thống Một cửa quốc gia do Viettel Solutions (thành viên Tập đoàn Viettel) được đánh giá là sản phẩm chưa từng có dạng tương tự trên thị trường. Kể từ khi đưa vào vận hành năm 2014, hệ thống này đã góp phần vào làm minh bạch, thông thoáng môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn. Theo ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp, ước tính có khoảng 4,55 tỉ USD đã được tiết kiệm nhờ hệ thống Một cửa quốc gia.

Từ kỉ lục giải Sao Khuê 2020 đến khát vọng công nghệ sánh bước cùng thế giới của Viettel - Ảnh 1.

Ảnh: Viettel

Không chỉ dừng ở những sản phẩm thiết yếu, phục vụ ngay cho nhu cầu thị trường, Viettel luôn nhìn xa hơn khi đầu tư, nghiên cứu ở những lĩnh vực mới, tiệm cận với tốc độ phát triển của các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng kĩ thuật Viettel IDC cho biết,  khi thị trường trong nước vẫn còn rất xa lạ với những cụm từ như "data center", "điện toán đám mây" thì Viettel đã quyết tâm phải làm chủ lĩnh vực này. Vì đây là những nền móng nền tảng cho sự bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) cho tương lai.

Do vậy, Viettel quyết tâm thành lập trung tâm dữ liệu qui mô lớn nhất Việt Nam với công nghệ mới nhất của thế giới. Đến thời điểm được giải Sao Khuê 2020 vinh danh, 11 năm sau, thị trường dịch vụ dữ liệu bùng nổ, Trung tâm Hoà Lạc là data center lớn nhất Việt Nam và là nơi duy nhất đạt được chứng chỉ Constructed Facility ở mức Tier III.

Data center này cũng là nơi được nhiều ông lớn như Microsoft, Alibaba, AT&T tin cậy sử dụng, như một bằng chứng cho trình độ nền tảng hạ tầng CNTT Việt Nam.

Với thị trường fintech, năm nay, giải Sao Khuê cũng vinh danh ví điện tử MytelPay – sản phẩm của Tập đoàn Viettel tại Myanmar. Khác với các ví điện tử khác trên thị trường khi buộc khách hàng phải có smartphone, kết nối Internet, MytelPay dành cho những khách hàng chỉ có điện thoại thông thường. Điều này cho phép những người dân ở nông thôn, vùng sâu Myanmar vẫn có thể sử dụng được. Đây cũng là sản phẩm được kỳ vọng sẽ tiếp nối sự phát triển thần kỳ của Tập đoàn Viettel tại Myanmar về di động.

Bình luận về các sản phẩm Sao Khuê đoạt giải của Viettel, ông Nguyễn Việt Hải - Phó Viện trưởng Viện KHCN Vinassa nói: "Các bạn Viettel rất thực tế, đầu tư cho sản phẩm đúng yêu cầu với chi phí hợp lí chứ không đẩy lên cao quá. Nói chính xác thì họ làm sản phẩm mang tính thực tiễn, đầu tư cho công nghệ mới một cách hợp lí chứ không phải để lấy tiếng".

Sáng tạo công nghệ và khát vọng Việt Nam hùng cường

Giải thưởng Sao Khuê 2020 đã thay đổi khẩu hiệu từ "Ngời sáng trí tuệ Việt Nam" trở thành "Vietnam ICT Excellence". Điều này nhằm ngụ ý để những sản phẩm, công nghệ được làm ra bởi người Việt dễ dàng lan toả hơn trên thị trường toàn cầu.

Đánh giá các sản phẩm tham dự, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, Chủ tịch Ban Tổ chức danh hiệu Sao Khuê 2020 nói: "Chất lượng của các sản phẩm, giải pháp CNTT được bình chọn trong năm nay cao hơn trước rất nhiều. Nhiều sản phẩm được đánh giá trong top đầu các ứng dụng về công nghệ mới xuất sắc của khu vực và trên thế giới".

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm thì nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng những sản phẩm đạt giải này sẽ được triển khai rộng rãi, giúp các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bứt phá".

Những năm trở lại đây, có thể thấy khát khao về sản phẩm công nghệ Việt được thổi bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi khẩu hiệu "Make in Vietnam" được tuyên bố năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Người Việt Nam có đủ tố chất để sáng tạo công nghệ và sản phẩm phẩm công nghệ.

Tuy nhiên, trước khi vươn được xa hơn, những sản phẩm Việt này cần được thừa nhận và chiếm lĩnh thị trường nội địa, bởi đây chính là bàn đạp vững chắc.

Việt Nam đang có hàng trăm vấn đề cần được giải quyết thông qua công nghệ, từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Tuy nhiên, trước đến nay, thứ dễ dàng đập vào mắt người ta vẫn là những cái tên nước ngoài. Câu hỏi thường trực sẽ là làm thế nào để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng với các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Những sản phẩm thuần Việt sẽ cạnh tranh với hàng ngoại như thế nào?

Nỗ lực của Viettel trong việc tạo ra những sản phẩm được giới chuyên môn, khách hàng thừa nhận về chất lượng cũng như liên tục vượt lên chính mình được xem là hành động thực tiễn cho tham vọng của doanh nghiệp ICT Việt Nam. Những ghi nhận của Sao Khuê chỉ là một trong số những nỗ lực đó.

Vài tuần trước, Brand Finance đã ghi nhận giá trị thương hiệu của Viettel đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 9 châu Á và thứ 28 thế giới. Thứ hạng của Viettel đã tăng 9 bậc so với năm trước đó. Giá trị thương hiệu của tập đoàn được định giá 5,8 tỷ USD. Viettel cũng xếp trên nhiều nhà mạng viễn thông lớn nhất có tên trong danh sách như SK Telecoms (Hàn Quốc), Airtel (Ấn Độ), Singtel (Singapore)… và lọt top 30 thương hiệu viễn thông trên thế giới. Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Brand Finance còn nhận xét: Viettel có tiềm năng nằm trong Top 20 thương hiệu viễn thông hàng đầu trên toàn cầu.

Tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù khẳng định Việt Nam đã có những tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế nhưng ông vẫn trăn trở rằng chưa có cái tên nào lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Theo Thủ tướng, 25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ nếu chiếu theo những gì mà các công ty công nghệ đã làm được trong quá khứ.

Việt Nam có tạo dựng được những đế chế khổng lồ "Made in Vietnam" hay không là câu hỏi được Thủ tướng đặt ra với khuyến khích đừng sợ thất bại mà hãy mơ lớn, làm lớn.

Và những hành động của các doanh nghiệp, như Viettel của những năm qua, đặt ra giới hạn rồi phá vỡ nó một cách không ngừng nghỉ, sẽ là tiền đề cho chính bản thân họ và các doanh nghiệp khác, cùng xây dựng một đất nước hùng cường.

Bích Thu