|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Đằng sau một cái chết

09:44 | 13/12/2018
Chia sẻ
Tin tức về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei hôm 1-12-2018 cùng những hệ lụy của nó đã che mờ một sự kiện khác, cũng diễn ra trong ngày hôm đó, cũng liên quan tới mối quan hệ Trung-Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và cũng có khả năng gây ra những hệ lụy đáng chú ý: cái chết của ông Zhang Shoucheng (Trương Thủ Thành), nhà vật lý, nhà đầu tư tài chính người Mỹ gốc Hoa, giáo sư trường Đại học Stanford, Mỹ.
chien tranh cong nghe my trung dang sau mot cai chet
Ông Zhang Shoucheng (Trương Thủ Thành), nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc vừa tự tử vì trầm cảm, có thể có liên hệ tới cuộc tranh chấp công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh Stanford.edu.

Ông Zhang đã nhảy lầu tự tử tại Stanford ngày 1-12, đến ngày 6-12, gia đình và nhà trường ra thông báo xác nhận cái chết của ông là do bị bệnh trầm cảm kéo dài, đồng thời bác bỏ những lời đồn đoán trên truyền thông Trung Quốc rằng ông tự tử vì bị Chính phủ Mỹ điều tra hoạt động của một quỹ đầu tư do ông sáng lập và điều hành. Qua đời ở tuổi mới 55, giữa lúc sự nghiệp đang thành toàn, ông Zhang để lại nhiều nghi vấn liên quan tới mối quan hệ phức tạp giữa quê hương ông (Trung Quốc) và đất nước đã nuôi dưỡng và đào tạo ông (Mỹ).

Ông Zhang sinh năm 1963 tại Thượng Hải. Là thần đồng hiếm có, mới 15 tuổi ông đã vào học trường Đại học Phúc Đán; 20 tuổi vào cao học tại Đại học New York ở Stony Brook; 24 tuổi lấy bằng tiến sĩ vật lý lý thuyết; 30 tuổi giảng dạy ở Đại học Stanford và 32 tuổi (năm 1995) đã trở thành giáo sư suốt đời (tenure) của trường đại học danh tiếng này. Được coi là nhà khoa học hàng đầu thế giới về vật lý lượng tử, ông được đề cử giải Nobel Vật lý năm 2014; tuy ông chưa đạt song là ứng viên đầy triển vọng trong tương lai. Giáo sư Yang Chenning (Dương Chấn Ninh), thầy dạy của Zhang tại Đại học New York, giải Nobel Vật lý, nhận xét về Zhang: “Đối với cậu ấy, việc nhận giải Nobel chỉ là vấn đề thời gian”.

Năm 2009, Zhang được Chính phủ Trung Quốc chọn tham gia chương trình thu hút nhân tài có tên “Ngàn tài năng” (gọi tắt là TTP), được mời làm đồng chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ lượng tử của Đại học Thanh Hoa và nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Chính phủ Trung Quốc; kể cả giải thưởng quốc gia năm 2017.

Năm 2013, Zhang thành lập quỹ đầu tư Danhua Capital tại Silicon Valley, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ blockchain, người máy... Với hai hoạt động không thuần túy khoa học kể trên, ông Zhang bị rơi vào một tình huống khó xử trong cuộc đối đầu Trung Quốc và Mỹ về công nghệ cao.

Chương trình thu hút nhân tài TTP của Trung Quốc là biện pháp dùng tiền bạc và đãi ngộ để lôi cuốn các nhà khoa học hàng đầu, người gốc Trung Quốc và người ngoại quốc, đến làm việc cho chính phủ nước này, giúp Trung Quốc phát triển, đuổi kịp và vượt qua phương Tây trong các lĩnh vực công nghệ mà chính phủ Bắc Kinh coi là “ưu tiên chiến lược”. Người được chọn vào TTP sẽ được thưởng ngay 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 150.000 đô la Mỹ), được cấp chi phí nghiên cứu từ 1-5 triệu nhân dân tệ, được tạo thuận lợi tối đa cho nghiên cứu, cùng nhiều ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, giáo dục con cái, chi phí về thăm nhà hàng năm... Điểm đặc biệt là TTP không đòi hỏi thành viên phải nhập quốc tịch hay làm việc toàn thời gian ở Trung Quốc, mà chỉ cần làm việc ít nhất hai tháng mỗi năm trong ba năm liên tục; khuyến khích các thành viên vẫn giữ nơi làm việc gốc ở nước ngoài. Thực tế nhiều nhà khoa học tham gia TTP đã đi đi về về giữa các phòng thí nghiệm tại Mỹ và cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc để chuyển cho Bắc Kinh nhiều thành quả nghiên cứu, không chỉ của cá nhân họ mà cả tài sản trí tuệ của nhiều đồng nghiệp, trong đó một số công nghệ thuộc loại bí mật mà chỉ ít người trong ngành mới tiếp cận được.

Chính vì thế, các quan chức Mỹ cho rằng chương trình thu hút nhân tài này đặt ra mối đe dọa về do thám công nghệ, “tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao hợp pháp và bất hợp pháp công nghệ, tài sản trí tuệ và bí quyết của Mỹ cho Trung Quốc”, theo một báo cáo của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) công bố đầu năm nay. Minh chứng cho nhận định này là trường hợp của Zheng Xiaoqing (Trịnh Tiểu Thanh), một kỹ sư 56 tuổi người Mỹ gốc Hoa, bị bắt ở New York hồi tháng 8-2018 về tội ăn cắp bí mật công nghệ - ông này làm việc cho hãng General Electric từ năm 2008 và tham gia chương trình TTP của Trung Quốc năm 2012, chuyên về công nghệ turbine của động cơ máy bay. Ngoài ông Zheng, có ít nhất hai thành viên chương trình TTP nữa bị phía Mỹ bắt trong năm nay, cũng về tội đánh cắp công nghệ hoặc chuyển giao bí mật công nghệ bất hợp pháp.

Khi chương trình TTP được Chính phủ Trung Quốc khởi động cuối năm 2013, ông Zhang được mời tham gia hội đồng tuyển chọn thành viên và giữ vai trò quan trọng trong suốt thời gian qua.

Quỹ đầu tư Danhua Capital, còn có tên là Digital Horizon Capital, được ông Zhang thành lập năm 2013 tại Mỹ. Danhua Capital được biết có số vốn khoảng 434,5 triệu đô la, đầu tư vào 113 công ty công nghệ tại Silicon Valley. Theo báo cáo cập nhật công bố vào tháng trước của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Chính phủ Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào Silion Valley; giữa các năm 2015-2017 có từ 10-16% vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp ở thung lũng này đến từ Trung Quốc. Quỹ Danhua Capital của ông Zhang, tuy có số vốn và danh mục đầu tư thuộc loại nhỏ nhất trong các quỹ đầu tư do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, song được USTR coi là một ví dụ nổi bật về chiến thuật dùng tiền vốn để thâu tóm công nghệ Mỹ, minh họa cho “mạng lưới các pháp nhân” được Trung Quốc tạo ra để “đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao của Mỹ... nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách công nghiệp của Chính phủ Trung Quốc”.

Sở dĩ như vậy là vì nguồn vốn của Danhua Capital đến từ tập đoàn phát triển Zhongguancun (ZDG - Trung Quan Thôn) - một doanh nghiệp nhà nước do chính quyền thành phố Bắc Kinh thành lập. Trang web của ZDG xác nhận nhiệm vụ của ông Zhang chủ yếu là “xác định các công nghệ nguồn có tính đột phá được phát triển ở Stanford và chuyển các công nghệ này về ZDG ở Bắc Kinh để thương mại hóa”. Tập đoàn này cũng nhấn mạnh: “Tiền vốn của ZDG ra đi, công nghệ tiên tiến của nước ngoài và nguồn nhân lực cao cấp được mang về”. Theo Bloomberg, từ năm 2014 đến giữa năm nay, Trung Quốc đã cho lập 1.171 pháp nhân đầu tư như vậy, với số vốn lên tới 5,9 ngàn tỉ nhân dân tệ, tương đương 858 tỉ đô la!

Cho đến nay, chưa phát hiện được bằng chứng cho thấy quỹ Danhua Capital làm việc theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh, song quy mô và hoạt động của các quỹ đầu tư của nhà nước Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Lấy ví dụ, Quỹ Đầu tư công nghiệp vi mạch Trung Quốc, còn được gọi là Quỹ Lớn (Big Fund) có vốn khoảng 21 tỉ đô la, được phân bổ thêm 47 tỉ đô la nữa trong năm nay, hoàn toàn có thể “nuốt trọn” những doanh nghiệp vi mạch khổng lồ của Mỹ không mấy khó khăn qua các hoạt động đầu tư cổ phiếu, mua bán và sáp nhập...

Chính vì thế, Mỹ đã âm thầm điều tra hoạt động của các quỹ đầu tư của Trung Quốc và tháng 8-2018 đã công bố báo cáo sơ bộ về cung cách và chính sách công nghệ của Trung Quốc, làm cơ sở để kiến nghị Quốc hội Mỹ sửa đổi luật đầu tư, tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), siết chặt việc xem xét các dự án đầu tư, mua bán sáp nhập có sự tham gia của các quỹ đầu tư Trung Quốc.

Sự kiện Quỹ Danhua Capital bị USTR nêu tên tháng trước, cùng với việc thành viên chương trình Ngàn tài năng liên tục bị sa lưới pháp luật ở Mỹ có thể là những yếu tố đưa tới chứng trầm cảm của nhà khoa học tài năng Zhang Shoucheng. Dù sao cái chết của ông - cùng với vụ bắt Phó chủ tịch Huawei - cũng làm hé lộ phần nào góc tối trong cuộc đối đầu công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, thường bị che khuất sau những tuyên bố ồn ào về tăng thuế, cấm vận... Thực ra, cuộc thương chiến Mỹ-Trung không phải là chuyện thuế khóa, mà chính là công nghệ: cuộc chiến nhằm xác định vai trò thống trị về công nghệ, qua đó định hình toàn bộ nền kinh tế trong tương lai.

Xem thêm

Thái Bình

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.