|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược gia của JPMorgan đi ngược Phố Wall, cảnh báo rủi ro lạm phát đình trệ ở Mỹ

08:14 | 27/02/2024
Chia sẻ
Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan lo ngại lạm phát đình trệ sẽ tấn công nước Mỹ một lần nữa. Khác với vị chuyên gia, Phố Wall nhìn chung tin tưởng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cánh mềm.

 

Logo của JPMorgan Chase bên ngoài trụ sở chính ở New York. (Ảnh: Bloomberg).

Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase gần đây có đề cập đến một rủi ro mà Phố Wall không còn bận tâm nữa: nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation) tái diễn tại Mỹ.

Ông Kolanovic hiện là chiến lược gia trưởng của JPMorgan, Bloomberg thông tin. Ông thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi đưa ra những nhận định ảm đạm về thị trường chứng khoán Mỹ giữa lúc giá cổ phiếu tăng mạnh vào năm ngoái.

Theo vị chuyên gia, sự gia tăng gần đây của giá tiêu dùng và giá sản xuất đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế, một trong những động lực chính giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trong những tháng qua.

Ông Kolanovic cho biết loạt dữ liệu mới nhất có thể làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư về kịch bản “Goldilocks” - tức là khả năng nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng hay quá nguội lạnh.

Đồng thời, ông cho biết các dữ liệu đó còn có thể khơi lại nỗi lo rằng nền kinh tế số một thế giới đang bước vào một giai đoạn tương tự như cú sốc lạm phát đình trệ những năm 1970.

Những lo ngại như vậy xuất hiện vào năm 2022 khi lạm phát tăng mạnh, nhưng giờ đây hầu như không còn ai chú ý tới vì giá cả đã hạ nhiệt đáng kể và nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp các dự báo suy thoái.

“Các nhà đầu tư nên chấp nhận rằng có một kịch bản mà trong đó, lãi suất cần được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải thắt chặt các điều kiện tài chính”, ông Kolanovic nhận định.

 

 

Theo chiến lược gia trưởng của JPMorgan, ông sẽ “không ngạc nhiên” nếu xu hướng thiểu phát dừng lại hoặc áp lực giá bùng lên lần nữa giữa lúc thị trường chứng khoán tăng sốc, thị trường lao động bị thắt chặt, số dân nhập cư cao và chính phủ chi tiêu mạnh tay.  

Trong một ghi chú mới, vị chuyên gia cho hay: “Chúng ta đã chứng kiến một làn sóng lạm phát và câu hỏi bây giờ là liệu chúng ta có thể tránh được làn sóng thứ hai hay không nếu các chính sách và môi trường địa chính trị tiếp tục phát triển theo hướng này”.

Ông Kolanovic nhận thấy “có nhiều điểm tương đồng với thời điểm hiện tại”. Đơn cử, ông cho biết căng thẳng ở Trung Đông vào những năm 1970 đã dẫn đến khủng hoảng năng lượng, gián đoạn vận tải biển cũng như khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ phình to.

Ngày nay, tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, chiến sự giữa Nga và Ukraine, cùng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là những rủi ro địa chính trị có thể khiến lạm phát đi lên.

Hơn nữa, theo quan điểm của ông Kolanovic, lạm phát có thể sẽ khó kiểm soát hơn khi giữa lúc Fed thắt chặt định lượng thì Bộ Tài chính Mỹ phát hành thêm trái phiếu kho bạc.

Từ năm 1967 đến 1980, khi lạm phát tăng theo từng đợt, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu gần như đi ngang xét về mặt danh nghĩa, trong khi các khoản đầu tư trả thu nhập cố định hoạt động tốt hơn nhiều.

Gần đây, ông Kolanovic là người có quan điểm trái ngược với phần đông giới chuyên gia Phố Wall. Mối lo ngại mới nhất của ông bắt nguồn từ niềm tin quá lớn của nhà đầu tư vào việc Fed sẽ hạ cánh mềm nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, nhận định của ông về thị trường chứng khoán Mỹ đã không thành hiện thực trong hai năm liên tiếp. Vị chiến lược gia lạc quan trong khi giá cổ phiếu rớt mạnh vào năm 2022 và có cái nhìn bi quan trong suốt đợt tăng lớn hồi năm ngoái.

Vài tuần qua, các thị trường đã giảm bớt kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm hạ lãi suất trong năm nay, sau khi số liệu lạm phát tăng cao hơn dự báo và các nhà hoạch định chính sách tỏ thái độ thận trọng.

Tháng trước, các quan chức Fed đã giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm. Họ lo ngại về những rủi ro liên quan khi nới lỏng chính sách quá sớm.

Khả Nhân