|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chia lại bậc thang giá điện để giãn dự án điện mặt trời?

06:59 | 01/08/2019
Chia sẻ
Giá nhà nước mua điện mặt trời đồng giá là 2.086 đồng/kWh (9,35 cent) cho các dự án nối lưới trước ngày 30-6 năm nay đã hết hạn, trong khi chính sách giá mới cho các dự án nối lưới sau thời điểm này lại chưa có.
Chia lại bậc thang giá điện để giãn dự án điện mặt trời? - Ảnh 1.

Một dự án điện mặt trời nối lưới ở Ninh Thuận. Ảnh:TL

Việc lên lưới ồ ạt của 89 dự án điện mặt trời từ tháng 4-2017 đến nay, với tổng công suất trên 4.500 MW, chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã vượt xa công suất dự kiến 850 MW vào năm 2020, khiến đường dây truyền tải liên tục gặp sự cố.

Nhiều thời điểm, Tập đoàn điện lực (EVN) đã phải sa thải lượng điện mặt trời thừa phát lên lưới để bảo toàn hệ thống. Tình trạng ồ ạt lên lưới này do giá mua điện cao: 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), hợp đồng mua điện kéo dài trong suốt 20 năm. 

Thêm nữa, mức đầu tư vào các dự án càng ngày càng giảm, cộng thời gian đầu tư nhanh (nhanh nhất là 6 tháng) khiến cho các doanh nghiệp càng quyết tâm đầu tư vào dự án. Đến nay, tổng công suất đăng ký đầu tư vào các dự án đã lên đến 25.000MW, không kể 16.500 MW đăng ký đầu tư vào điện gió.

Vấn đề đặt ra là trước tình trạng đầu tư quá tải mà không sử dụng hết, sau thời điểm 30-6, các dự án điện mặt trời sẽ được ký hợp đồng mua với giá nào và giá mua đó có khiến cho nhiệt tình đầu tư vào các dự án mới giảm đi?

Theo thông tin của TBKTS Online, dự thảo thay thế quyết định 11/2017 về cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào năng lượng mặt trời của Chính phủ do Bộ Công Thương soạn thảo mới nhất vẫn tiếp tục giữ lại những cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai đối với dự án điện mặt trời. Nhưng thay đổi lớn nhất nằm ở giá mua điện của Nhà nước.

Theo đó, dự kiến giá mua điện sẽ không “cào bằng” như trước khiến các nhà đầu tư tập trung vào khu vực thuận lợi về ánh sáng mặt trời, trong khi nhu cầu tại chỗ lại rất ít và khó truyền tải đi xa. 

Để cân bằng các vùng đầu tư, dàn trải cho hợp lý hơn, Bộ Công Thương dự kiến phân giá mua điện theo 4 vùng.

Vùng 1 gồm 28 tỉnh từ Hà Giang, Sơn La đến Nghệ An, Quảng Bình.

Vùng 2 từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gồm 6 tỉnh.

Vùng 3 (23 tỉnh) gồm Kon Tum, Trà Vinh, Cà Mau, TPHCM...

Và vùng 4 gồm 6 tỉnh trong đó có Ninh Thuận, Bình Thuận...

Ninh Thuận và Bình Thuận do ưu đãi về thiên nhiên dự kiến sẽ có giá mua điện thấp nhất 4 vùng. Đối với các dự án điện mặt trời nổi chỉ có giá mua 1.655 đồng/kWh (7,24 cent/kWh), dự án điện mặt trời mặt đất là 1.525 đồng/kWh; dự án điện mặt trời mái nhà là 1.803 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). 

Vùng 3 sẽ có giá: 1.758 đồng/kWh, 16.620 đồng/kWh và 1.916 đồng/kWh. Vùng 2 là: 1.963-1809 đồng-2.139 đồng. Vùng I giá cao nhất là 2.281 đồng (9,98 cent/kWh)- 2.102-2.486 đồng/kWh.

Giá mua điện này dự kiến sẽ áp cho các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1-7-2019 đến 31-12-2021.

Lý do là các mức giá chỉ áp dụng 2 năm, theo lời một lãnh đạo Cục điện lực và năng lượng tái tạo là do suất đầu tư vào dự án điện mặt trời mỗi năm một giảm. Công nghệ sản xuất pin mặt trời ngày càng phát triển, giá cạnh tranh theo chiều đi xuống. 

Từ năm 2017 đến nay, chi phí sản xuất tấm pin điện mặt trời đã giảm 30% và còn tiếp tục giảm hơn 10% trong các năm tiếp theo. Do đó, chính sách mua điện cũng phải thay đổi cho hợp với tình hình.

Tương tự, việc điện mặt trời phát triển quá nóng tại một khu vực dễ đầu tư, trong khi các vùng khác khó đầu tư lại không có dự án, trong điều kiện giá như nhau dễ làm mất cân bằng hệ thống.

Lan Nhi